Vì sao học sinh, sinh viên hay trì hoãn?
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ðào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và Nhân văn (Trường ÐH Văn Lang), có rất nhiều lý do dẫn đến sự trì hoãn như: Có thể việc cần làm quá khó khiến cá nhân chưa thể tìm ra phương án giải quyết hiệu quả trong thời gian ngắn. Vì thế, người trẻ cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ tìm giải pháp. Cũng có thể vì các bạn có quá nhiều mối quan tâm/công việc/bài tập trong cùng một lúc khiến họ không thể “ba đầu sáu tay” để hoàn thành đúng hạn. Hoặc bản thân học sinh, sinh viên thiếu những trải nghiệm thực tế nên khi nhận những nhiệm vụ, công việc sẽ không thể nào “lường” hết những tình huống phát sinh, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành kế hoạch.
Bên cạnh đó, sự lười biếng, tâm lý ỷ lại với tư tưởng “có chậm/muộn chút chắc cũng không sao” cũng là yếu tố dẫn đến sự trì hoãn. Hoặc bản thân họ không có một kỷ luật khắt khe với bản thân, làm việc tùy hứng.
Thói quen trì hoãn kéo dài sẽ gây ra rất nhiều hệ quả xấu như bị điểm kém, thi trượt, mất lòng tin với người khác… Vậy phải làm gì để khắc phục thói quen xấu này?
Trẻ có thói quen trì hoãn sẽ vẫn làm việc được giao, tuy nhiên sẽ hoàn thành chậm và mất nhiều thì giờ. Ví dụ như cha mẹ giao cho trẻ việc lau nhà, lẽ ra việc này chỉ mất 15 phút, nhưng do có thói quen trì hoãn, trẻ không làm ngay mà đi làm các việc khác như: xem phim, chơi game, ngủ,… và đợi đến lúc cha mẹ gần về mới lau. Tính thời gian, công việc lau nhà của trẻ do trì hoãn đã mất tới hàng giờ đồng hồ.
Hãy kiểm soát điện thoại
Sau đại dịch Covid-19, đa phần học sinh đều được trang bị điện thoại di động để học tập và liên lạc. Chúng ta không thể phủ nhận được lợi ích của smartphone - trong việc học tập, đó là một kho tài liệu rộng lớn nhưng cũng chứa đựng rất nhiều trò chơi giải trí hấp dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ. Bởi vậy, nhiều học sinh phải đối mặt với chứng nghiện điện thoại từ sớm, kéo theo việc bị suy giảm đáng kể khả năng hiểu biết, phản ứng và trí nhớ. Ðồng thời, điện thoại di động cũng có thể làm suy giảm thính lực, giảm chất lượng giấc ngủ và rối loạn chức năng miễn dịch.
Ðể bạn trẻ không bị phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại, chúng ta cần để chiếc điện thoại ra xa khỏi tầm mắt và tắt thông báo để tránh gián đoạn, mất tập trung trong quá trình học tập.
Dọn dẹp góc học tập/làm việc
Bên cạnh việc kiểm soát chiếc điện thoại, khi chuẩn bị bắt đầu làm việc hay học tập, hãy dành ra tầm 5 đến 10 phút để dọn và nhìn lại chỗ mình sẽ ngồi học/làm việc. Ðiều này giúp tăng khả năng sáng tạo trong quá trình học tập, bởi vì nó khiến bạn thoải mái hơn. Việc có một không gian học tập gọn gàng còn giúp chúng ta ít bận tâm hơn với những thứ xung quanh, từ đó thực hiện công việc/ hay hoàn thành bài tập đúng thời gian và có chất lượng hơn.
Nguyên nhân chính khiến chỗ học tập thiếu ngăn nắp là vì những giấy tờ, sách vở, dụng cụ học tập không được sắp xếp khoa học. Vì thế, nếu muốn có một góc học tập gọn gàng, điều đầu tiên các bạn cần làm là sắp xếp lại sách vở, tài liệu của mình. Học cách phân chia chúng theo tính chất sử dụng và đặt nó lên giá đựng sách vở ngăn nắp để việc tìm kiếm tài liệu dễ dàng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta thường có nhiều thứ hơn mức cần thiết, có nhiều bạn thường giữ lại rất nhiều tài liệu cũ dù chẳng có thời gian động vào để học lại. Do đó, với những giấy tờ, sách vở không còn cần thiết thì nên bỏ đi hoặc tái chế thành những vật dụng có ích như làm vở nháp hay lấy bìa sách để đóng bìa quyển vở mới, sáng tạo thành những vật dụng trang trí sách vở.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể vận dụng khả năng sáng tạo của mình để trang trí chỗ học tập theo sở thích, việc làm ấy sẽ khiến góc học tập trở nên ấn tượng hơn. Các bạn có thể sử dụng những vật phẩm lưu niệm hoặc lọ hoa để trang trí cho bàn học; sử dụng giấy dán tường với màu sắc các bạn yêu thích để trang trí góc học tập trở nên thu hút, thoải mái, giúp các bạn có hứng thú trong học tập hơn. Dần dần, nó sẽ hình thành thói quen thích ngồi vào bàn học.
Lên kế hoạch cụ thể
Việc lên kế hoạch tưởng chừng như đơn giản nhưng thực sự lại rất quan trọng trong việc định hướng và quyết định cách thức, khoảng thời gian các bạn tập trung cho một môn học hay một công việc. Ðồng thời, nó giúp rèn luyện khả năng quản lý công việc, biết cách sắp xếp những ưu tiên của mình.
Gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên phân chia thời gian học tập, làm việc của mình có kế hoạch.
Bước 1: Liệt kê tất cả những việc cần làm.
Bước 2: Phân chia công việc của mình vào những nhóm hành động:
- Nhóm công việc ưu tiên, quan trọng, cần hoàn thành gấp trong ngày.
- Nhóm công việc quan trọng nhưng dài hạn, cần nhiều thời gian hơn.
- Những công việc không quan trọng.
- Thời gian rảnh.
Bước 3: Ðưa ra khoảng thời gian phù hợp cho từng nhóm công việc.
Ngoài ra, các bạn cũng nên đặt ra những khoảng thời gian dự trù linh hoạt, để dự phòng những công việc phát sinh.
Nhà tư vấn Tâm lý học Arushi Malik cho biết: "Hầu hết mọi người nhầm lẫn sự trì hoãn với sự lười biếng, thật ra chúng không giống nhau. Mỗi người cần phải hiểu mình đang bị trì hoãn hay lười biếng để tìm cách tốt nhất vượt qua nó".
Dành thời gian nghỉ ngơi
Việc chia thời gian học hiệu quả và dành thời gian nghỉ ngơi đúng cách giúp bạn có thêm năng lượng để tiếp tục công việc của mình và lấy lại được hứng khởi. Con người không phải một cỗ máy, bởi vậy mà sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, các bạn cần dành ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi, có thể vận động chân tay để tránh những tác động xấu của việc ngồi một chỗ quá nhiều.