Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị
Đây là Hội nghị đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV với các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và đại diện lãnh đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan để bàn về việc phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tiến độ chuẩn bị các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Đỗ Bá Tỵ tham dự cuộc họp.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những tháng cuối năm 2016 vừa được Quốc hội XIV thông qua, tại kỳ họp thứ 2 dự kiến bắt đầu từ 20/10/2016, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; xem xét thông qua 1 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội và cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác để chuẩn bị cho việc thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Từ nay đến cuối năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua 4 dự án pháp lệnh. Trong năm 2017, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua 29 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết. Thực hiện thẩm quyền đã được pháp luật quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tiến hành các công tác tổ chức, triển khai bảo đảm thực hiện tốt Chương trình đã được Quốc hội thông qua.
Chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ năm 2016 là năm chuyển tiếp giữa nhiệm kỳ khóa XIII và nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, đồng thời cũng là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015). Tại Kỳ họp thứ Nhất, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về tình hình xây dựng pháp luật, tập trung phân tích một số mặt hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đồng thời bước đầu nêu ra một số giải pháp bảo đảm thực hiện các quy định mới của Luật năm 2015.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong từng công đoạn của quy trình lập pháp và đặc biệt các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận, đóng góp thêm sáng kiến để làm rõ quy trình, cách thức tiến hành; yêu cầu về trách nhiệm, phạm vi phối hợp của các cơ quan cùng các biện pháp bảo đảm cần thiết khác trong công tác lập pháp nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất chung, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện tốt các quy định mới của Luật năm 2015, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nói chung và trước mắt là để hoàn thành có chất lượng toàn bộ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và 2017 của Quốc hội.
Trao đổi một số nội dung về tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ việc Quốc hội ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016 đã đổi mới cơ bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, chính sách phải được thông qua, phê duyệt trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản. Trong Luật năm 2015, việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được lồng ghép với quy trình xây dựng chính sách, khác với Luật năm 2008, những công việc này được tiến hành trong quá trình soạn thảo văn bản.
Do năm 2016 là năm chuyển giao thực hiện Luật năm 2008 và Luật năm 2015, nên việc lập đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chương trình năm 2017 và triển khai thực hiện Chương trình có những đặc thù riêng. Việc lập, thẩm định, thẩm tra dự kiến điều chỉnh Chương trình năm 2016 và năm 2017 được thực hiện theo quy định của Luật năm 2008 nhưng việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua các dự án cụ thể trong Chương trình được thực hiện sau ngày 1/7/2016 nên sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật năm 2015.