Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khai gian thu nhập để được... nghèo

Tại TP HCM, để được hưởng các chính sách ưu đãi của chương trình giảm nghèo, nhiều hộ gia đình không muốn thoát nghèo

 

Chương trình giảm nghèo của TP HCM đã đi được chặng đường 23 năm với nhiều thành tựu đáng trân trọng. Từ giảm nghèo đơn chiều về thu nhập, TP HCM đã chuyển sang giảm nghèo bền vững, đa chiều gồm y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, giảm nghèo đa chiều đang gặp nhiều thách thức.

Tạo tâm lý ỷ lại

Là người làm công tác giảm nghèo nhiều năm của phường Cầu Kho, quận 1, bà Lê Thị Ngà, Tổ trưởng Tổ Tự quản khu phố 6, trăn trở: “Một số hộ khai gian thu nhập chỉ để được nghèo”.

Bà Ngà dẫn chứng có một hộ, con cái ở quê nhưng vẫn khai ở TP, khi có đợt phúc tra là họ báo người nhà ở dưới quê lên cho hợp lý. “Đây là một hộ không muốn thoát nghèo nên luôn tìm cách để đối phó. Chưa hết, chủ hộ này còn khai gian thu nhập. Tổ phải nhờ nghiệp đoàn xe ôm nắm tình hình. Mỗi tối đều có người canh xem chủ hộ chạy được mấy cuốc xe, mỗi cuốc được bao nhiêu tiền. Bằng cách làm ấy, tổ đã chứng minh họ khai gian thu nhập” - bà Ngà kể.

 

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM khảo sát chương trình giảm nghèo đa chiều tại phường 15, quận 10

 

Một trường hợp khác là hai vợ chồng đều làm công nhân tại Công ty 19/5 nhưng khai thu nhập thấp hơn thực tế. Khi bà Ngà đến gặp giám đốc công ty xác minh thì biết thu nhập họ cao hơn nhiều so với khai báo.

Thậm chí, theo bà Nga, có một hộ khá nhưng vẫn muốn làm người nghèo. “Chú này làm nghề bán than, ở chung với vợ chồng con gái và 2 cháu ngoại. Tuy nhiên, chú chỉ khai thu nhập của mình, trong khi con rể có một tiệm chụp hình, con gái thì cho thuê xe liên tỉnh. Chưa hết, chú còn có mặt bằng để cho thuê” - bà Ngà ngán ngẩm.

Một điều nữa khiến bà Ngà băn khoăn là khi gia đình bà ra khỏi hộ nghèo thì nhiều người thắc mắc: “Chi vậy?”! Theo bà Ngà, biết người nghèo khai gian thu nhập nhưng khi tư vấn cũng phải nói nhẹ nhàng, phân tích cho họ hiểu làm như vậy con cái sẽ ỷ lại, đi xuống mà không chịu cố gắng.

Tình trạng muốn nghèo cũng xảy ra ở phường 15, quận 10. Phó Chủ tịch UBND phường 15 Phan Thị Thảo An cho biết một số hộ tại phường làm ăn khá lên và ổn định nhưng không ra khỏi chương trình vì muốn tiếp tục hưởng các chính sách ưu đãi diện nghèo. “Đóng BHYT tự nguyện phải trả chi phí khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với thẻ BHYT hộ nghèo khiến họ có tâm lý không muốn thoát nghèo” - bà An lý giải.

Đồng tình, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho (quận 1) Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng các chính sách ưu đãi của chương trình đã tạo tâm lý ỷ lại ở không ít người nghèo. Do đó, họ muốn tiếp tục hưởng thụ quyền lợi nên tìm mọi cách khai không đúng thu nhập thực tế, gây khó khăn cho công tác phúc tra.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cũng nhìn nhận có tâm lý chưa muốn ra khỏi hộ nghèo là để thụ hưởng các chính sách xã hội, nhất là tới đây, một số danh mục của y tế tăng, học phí cũng có thể tăng.

12 người ở trong 6 m2

Đánh giá về chương trình giảm nghèo bền vững theo đa chiều của TP HCM trong thời gian tới, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP Trương Văn Lương cho biết nhà ở cũng là một trong những thách thức lớn của chương trình. Theo ông Lương, TP vừa thí điểm giảm nghèo đa chiều tại 4 địa phương, gồm: phường 6 - quận 11,  phường 12 - quận 6, phường Tân Thành - quận Tân Phú và xã An Phú Tây - huyện Bình Chánh. Kết quả cho thấy chỉ tiêu thiếu hụt nhà ở là 3,4%, riêng phường 6 - quận 11 tỉ lệ này là khoảng 16%.

“Nhà không kiên cố thì chúng ta xử lý được nhưng khó nhất là diện tích ở. Theo quy định của trung ương, diện tích ở là 8 m2/người. Riêng TP, nội thành là 6 m2, còn ngoại thành là 10 m2. Tuy thấp hơn so với trung ương nhưng 6 m2/người là chuyện không hề đơn giản đối với khu quận nội thành, nhất là các quận trung tâm như quận 1, 3, 4” - ông Lương nói.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng diện tích nhà ở rất khó đạt được. Hiện nay, trên địa bàn quận 1 có những gia đình rất đông người nhưng nhà ở rất nhỏ. “Phường Cầu Ông Lãnh có một hộ 12 người nhưng diện tích ở chỉ 6 m2. Ngủ cũng phải chia ca, xe phải gửi ngoài” - bà Hường dẫn chứng.

Theo ông Lương, vấn đề thiếu hụt nhà ở phải giải quyết từ từ, không có cách nào khác. TP HCM đã tính toán tới việc hỗ trợ nhà ở xã hội nhưng đang gặp khó khăn khi nhà ở xã hội chỉ áp dụng với đối tượng là hộ nghèo trung ương. “Trước đây, chúng ta chỉ đo một chiều thu nhập thì hết nghèo 100% nhưng đa chiều mà hết 100% là chuyện không hề đơn giản. Chờ cho lứa con cháu trưởng thành, có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở thì mới mong giảm được” - ông Lương nêu thực trạng. Theo ông, giảm nghèo đa chiều sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn cố gắng khắc phục, tháo gỡ từng bước.