Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khai giảng khóa đào tạo tiếng Nhật cho ứng viên điều dưỡng, hộ lý

Lễ khai giảng khóa 4/2015, đào tạo tiếng Nhật, cho các ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản vừa diễn ra tại Hà Nội. Tới dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Nagai Katsuro, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước; Trường Nhật ngữ Arc Arcademy, Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ LOD và 210 ứng viên.

 

Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là đầu mối thực hiện chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chương trình này. Đây là chương trình giúp cho những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách là ứng viên điều dưỡng và hộ lý có cơ hội tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia tại Nhật Bản. Trên cơ sở thông báo của bạn, về chỉ tiêu ứng viên khóa 4, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Trường Nhật ngữ Arc Arcademy tổ chức tuyển chọn.

Trong số 451 ứng viên tham gia, hội đồng xét tuyển đã chọn được 210 ứng viên đủ tiêu chuẩn, đào tạo tiếng Nhật tập trung 12 tháng. Các ứng viên đăng ký đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định sẽ được tuyển chọn đưa vào đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ phải tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản sẽ giới thiệu những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn. Những ứng viên được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần).

Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán Nhật Bản.

Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp điểm lại mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác nguồn nhân lực. “Đây là một trong những chương trình đưa lao động trình độ cao Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, góp phần thực hiện mục tiêu và định hướng đẩy mạnh đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài của Bộ LĐ-TB&XH. Do vậy, các ứng viên cần chăm chỉ học tập cũng như nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy trong 12 tháng đào tạo tiếng Nhật để đạt yêu cầu được xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc vào năm 2017...”-Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp căn dặn.

Được biết, từ năm 2012 đến nay Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 3 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 510 ứng viên, trong đó khóa 1 là 150 người, khóa 2 là 180 người và khóa 3 là 180 người. Kết quả đến nay đã có tổng số 290 ứng viên (trong đó có 138 ứng  viên của khóa 1 và 152 ứng viên của khóa 2) đã sang Nhật Bản làm việc. 180 ứng viên của khóa 3 đã hoàn thành khóa đào tạo tiếng Nhật tập trung 12 tháng và tham dự kỳ kiểm tra năng lực tiếng Nhật vào đầu tháng 12/2015. Sắp tới, các ứng viên khóa 3 đạt yêu cầu trình độ tiếng Nhật từ N3 trở lên và những ứng viên tự do có chứng chỉ N2 trở lên sẽ tham gia gặp gỡ với các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản và được làm các thủ tục cần thiết để có thể nhập cảnh sang làm việc trong năm 2016.