Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công 3 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Qua đó, tiếp thu được nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết góp phần để Quốc hội xem xét thông qua với tỷ lệ đồng thuận thống nhất rất cao. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 4 nhiệm kỳ khóa XV sẽ xem xét cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới, gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đây là những dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Sau kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, cơ quan và tổ chức có liên quan, khẩn trương phối hợp với Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật. Đến nay các dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội; có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nên cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận một cách kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tại hội nghị lần này ngoài sự tham gia của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, còn có các đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách khác đã đăng ký tham dự một cách chủ động để đóng góp thêm đối với chương trình xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của đại diện Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đại diện lãnh đạo một số tổ chức nghề nghiệp có liên quan trực tiếp đến các dự án luật, một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gợi mở và nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu tham gia hội nghị tập trung rà soát và cho ý kiến đối với một số vấn đề quan trọng.
Một là, các dự án luật đã quán triệt thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng, những vấn đề cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan. Đặc biệt là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trực tiếp là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW là cơ sở chính trị rất quan trọng để xây dựng dự án luật này. Tại kỳ họp thứ 6 xem xét thông qua luật càng phải rà soát kỹ lại những vấn đề đại sự này.
Hai là, xem xét việc thể hiện của các dự thảo luật đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu đề ra khi xây dựng các dự án luật. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cũng cho phép trong quá trình xây dựng pháp luật nếu có phát sinh những chính sách mới vẫn có quyền nghiên cứu, tiếp thu. Điều quan trọng là những chính sách đặt ra từ đầu, dự kiến hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật đã được thể hiện đủ hay chưa? Đối với những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa?
Thực tế, trong quá trình xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chủ động gửi tài liệu dự án luật cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng giám sát, phản biện xã hội, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là tổ chức đại diện cho giới doanh nghiệp, doanh nhân để cho ý kiến về các dự án luật.
Ba là, xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thông pháp luật nhất là các dự án có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhất là các dự án luật đặc biệt quan trọng, như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) hay Luật Đấu thầu…
Bốn là, đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng với từng dự án luật, những vấn đề về kỹ thuật lập pháp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “không có vấn đề nào mà chúng ta bỏ qua” và hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách để giúp cho Quốc hội nói chung về những vấn đề lớn, những vấn đề quan trọng trong các dự án luật.
Năm là, đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với các nội dung mà còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan. Đến nay có những luật còn chưa có sự đồng thuận, còn ý kiến khác nhau về tên gọi như dự án Luật Căn cước công dân cần nghiên cứu, phân tích, tính toán, lựa chọn phương án tốt nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến về điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp, bởi nếu những quy định này không rõ ràng thì sẽ còn ách tắc, bất cập hay điều khoản áp dụng nếu quy định không khéo sẽ có thể sai lệch trong quá trình thực hiện.
Nhấn mạnh, mục tiêu rà soát lại về cơ sở chính trị căn cứ pháp lý, tính hợp hiến hợp pháp tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững hội nhập quốc tế của Việt Nam và rà soát lại toàn bộ các quy trình, nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, rút kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ vấn đề cần phải nằm lòng là không được để cho những quy phạm pháp luật có sơ hở có thể tạo ra những tham nhũng, tiêu cực gây thất thoát hoặc ách tắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đặc biệt là phải thực hiện chỉ đạo của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngay trong Quốc hội cần phải nghiêm những vấn đề này khi xem xét quyết định các nội dung của luật.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện; các cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo tinh thần làm triệt để; không để một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình thỏa đáng.