Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, LHP Việt Nam lần thứ 22 có 126 tác phẩm điện ảnh của 39 doanh nghiệp sản xuất phim trên cả nước tham gia, gồm các thể loại: Phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình. Các bộ phim tại LHP sẽ được công chiếu đến khán giả theo hình thức trực tiếp ở 4 cụm rạp Đông Ba, BHD Cineplex, Lotte, Cine Star tại TP Huế từ ngày 18 - 20/11/2021 và trên nền tảng số của VTV Go Đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 14-20/11/2021.
Đồng thời, 4 bộ phim của Điện ảnh Việt Nam đã từng quay tại Huế cũng được đưa vào lịch chiếu phim theo hai hình thức trên để phục vụ khán giả. Như vậy, tổng số phim được phổ biển đến công chúng là 130 phim.
LHP Việt Nam lần thứ 22 diễn ra từ ngày 18 - 20/11, với các sự kiện chính, gồm: Lễ khai mạc và họp báo; Lễ bế mạc và trao giải thưởng LHP (20h tối 20/11); Triển lãm "Thừa Thiên Huế - điểm đến của các nhà làm phim"; Triển lãm ảnh "Di sản và Bạn"; Chương trình thời trang "Áo dài với điện ảnh"; Tour du lịch khám phá TP Huế; Chương trình giao lưu với các chuyên gia điện ảnh và nghệ sĩ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết, LHP lần thứ 22 là dấu ấn văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của năm 2021. Sự kiện góp phần giới thiệu với công chúng cả nước nói chung và khán giả Thừa Thiên Huế nói riêng về nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc đã hình thành, phát triển trong gần 70 năm qua và hội nhập với thế giới để trở thành một ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển sẽ diễn ra trong tháng 11/2021.
LHP Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức trong bối cảnh cả nước bước vào thời kỳ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đảm bảo khôi phục và phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch sau gần hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn xã hội, các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó có ngành điện ảnh.
Trong hơn hai năm qua, hoạt động điện ảnh trên thế giới và trong nước đều bị đình trệ. Làn sóng dịch bệnh thứ tư ở Việt Nam đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho hầu hết doanh nghiệp, cá nhân ở mọi ngành nghề và điện ảnh Việt Nam không nằm ngoài sự khó khăn lớn đó.
Thời gian qua, ngành điện ảnh đã nỗ lực, ứng phó kịp thời, điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới, thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, qua đó mang đến LHP lần này 126 tác phẩm có chất lượng cao.
Theo ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1999 là lần đầu tiên LHP Việt Nam (lần thứ 12) được tổ chức tại vùng đất Cố đô. Từ đó đến nay, với bề dày văn hoá, lịch sử, cảnh quan, đặc biệt là với 7 Di sản văn hoá thế giới, Huế được các nhà sản xuất phim chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim điện ảnh đạt giải cao ở trong nước và quốc tế. Từ đó, hình ảnh vùng đất và con người xứ Huế càng được quảng bá rộng rãi hơn.
LHP Việt Nam lần thứ 22 là dịp để Thừa Thiên Huế tiếp tục giới thiệu, quảng bá những nét đẹp đặc sắc, tinh hoa văn hoá Huế đến với cả nước trong định hướng hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá dựa trên lĩnh vực điện ảnh. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản cố đô, bản sắc văn hoá Huế.
Chia sẻ trong buổi họp báo sau Lễ khai mạc, đại diện BTC cho biết, yêu cầu, mục tiêu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là ưu tiên đặt lên hàng đầu; đồng thời linh hoạt, thích ứng trong điều kiện “bình thường mới” để tổ chức LHP một cách tốt nhất.
Theo đó, tại TP Huế, BTC sẽ áp dụng quy tắc "một cung đường, hai điểm đến" nhằm kiểm soát lịch trình và hỗ trợ việc kiểm tra dịch theo quy định của Bộ Y tế đối với tất cả đại biểu và khách mời. Đại biểu, khách mời tham dự LHP cần có “Thẻ Xanh COVID-19"; có hình thức khai báo y tế, khai báo lịch trình đi lại trong những ngày tham dự sự kiện tại Huế. BTC cũng đã quyết định cô đọng nội dung, giảm bớt số lượng hoạt động, số lượng đại biểu, khách mời cũng như rút ngắn thời gian tổ chức LHP.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Dân sinh về việc bảo đảm an toàn khi thực hiện chiếu phim trực tiếp ở các cụm rạp tại TP Huế trong bối cảnh dịch bệnh tại thành phố đang diễn biến phức tạp, số lượng ca F0, nhất là F0 cộng đồng tăng cao, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã có nhiều biện pháp được đề ra. BTC đã yêu cầu các rạp phim trang bị dung dịch khử khuẩn, lắp đặt hệ thống quét mã QR. Các rạp phải giữ liên hệ với đối tượng khách mời để nắm các thông tin dịch tễ, sức khoẻ. Ngoài ra, BTC cũng đã phối hợp với cơ quan y tế để điều động cán bộ CDC thường xuyên có mặt tại các điểm lưu trú của đại biểu, khách mời,…
Nằm trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 22, sáng 18/11, BTC cũng đã khai mạc Triển lãm “Thừa Thiên Huế - điểm đến của các nhà làm phim”. Triển làm được thực hiện theo 2 hình thức là trưng bày trực tiếp tại Nhà hát sông Hương, TP Huế và thực hiện trên nền tảng số, công nghệ 3D. Nội dung các tác phẩm tập trung giới thiệu cảnh đẹp thiên nhiên, nét văn hoá đặc sắc của Thừa Thiên Huế; hình ảnh từ các bộ phim quay tại Thừa Thiên Huế và chân dung 10 NSND, NSƯT của ngành điện ảnh là người con xứ Huế.