Thông qua công tác sưu tầm, chú thích song ngữ một cách có hệ thống các tư liệu, hình ảnh, Triển lãm giới thiệu tới khách tham quan các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người trong nhân dân, các cấp quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là đội ngũ thực thi pháp luật.
Từ nguồn tài liệu lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và từ các nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên toàn quốc, Ban Tổ chức đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định và Ban Chỉ đạo để lựa chọn ra 200 ảnh, tài liệu đáp ứng cả 3 yếu tố: Tính khoa học, đại diện cho các quyền; Tính nghệ thuật thể hiện cảm xúc Hạnh Phúc của Mỗi người và Yếu tố kỹ thuật để đảm bảo độ phân giải, hiệu ứng.
200 ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ Việt - Anh theo bố cục gồm 4 chủ đề. Chủ đề 1: Tư tưởng quyền con người ở Việt Nam qua một số Châu bản, Mộc bản Triều Nguyễn gồm nhóm tài liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam, cho thấy Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ quyền con người nhưng rất giàu truyền thống nhân văn và khái niệm tư tưởng nhân quyền đi liền với yêu thương con người, khoan dung, hòa ái. Nhóm gồm 24 tài liệu lưu trữ được lựa chọn từ hơn 34 nghìn tấm Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn - di sản tư liệu được UNESCO công nhận, hiện đang được lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.
Chủ đề 2: Thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam từ 1945 đến nay gồm các tư liệu, hình ảnh phản ánh các nỗ lực và chính sách, văn kiện chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người phân theo các giai đoạn từ 1945-1986; thời kỳ Đổi mới đến nay, các nỗ lực hợp tác quốc tế về quyền con người.
Chủ đề 3: Nỗ lực chống dịch COVID-19, tình người, nghĩa đồng bào trong gian khó, dịch bệnh gồm những hình ảnh, tư liệu, số liệu minh chứng cho nỗ lực của Nhà nước và xã hội, tình đoàn kết tương thân tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, an sinh, xã hội cho người nghèo, đối tượng yếu thế trong đại dịch; các giải pháp chuyển đổi số để bảo đảm thực thi các quyền con người phù hợp với điều kiện “bình thường mới”.
Chủ đề 4: Thành tựu quyền con người ở địa phương. Theo thông lệ của các Triển lãm năm 2019 (Lâm Đồng) và 2020 (Quảng Nam), năm nay, Bộ TTTT đã phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai lựa chọn giới thiệu một số hình ảnh, số liệu về Lào Cai - Đổi mới và phát triển.
Với mong muốn Triển lãm đến được với đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước một cách sinh động và hiệu quả, từ ngày 20/12/2021, Ban Tổ chức Triển lãm đã đăng tải 200 ảnh, tư liệu, tài liệu lưu trữ trên nền tảng 3D cùng với các sản phẩm truyền thông đa phương tiện hiện đại trên 02 websites có tên miền: www.vihanhphucmoinguoi.vn và www.vihanhphucmoinguoi.com; đồng thời đặt banner giới thiệu về triển lãm trên các chuyên trang, chuyên mục của một số báo cộng đồng, báo trong nước, một số trang fanpage và một số cồng/ trang thông tin điện tử của các sở ban, ngành, báo đài địa phương.