Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khai thác đá xây dựng: Phải quản lý chặt và đảm bảo ATLĐ

Các doanh nghiệp, cơ sở khai thác đá xây dựng trên cả nước hiện nay đang giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Tuy nhiên, ngành khai thác đá cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường và triển khai các quy định về an toàn vệ sinh lao động(ATVSLĐ)...PV Báo LĐ&XH đã có cuộc trao đổi với ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động xung quanh việc quản lý đảm bảo ATVSLĐ ngành nghề này.

 

Xin ông cho biết về tình hình ATVSLĐ trong khai thác đá xây dựng hiện nay, như thế nào?

 -Việt Nam có trữ lượng tài nguyên khoáng sản  núi đá vôi rất lớn. Do nhu cầu của xã hội và cơ chế quản lý ở các địa phương có phần “dễ dãi”, nên chỉ trong vòng 10 năm gần đây đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN), cơ sở khai thác đá xây dựng của nhà nước, tư nhân được cấp phép hoạt động, có quy mô thu hút từ hàng trăm đến hàng nghìn lao động.

Với các DN có quy mô lớn chuyên khai thác cung ứng vật liệu xi măng, được đầu tư máy móc tương đối hiện đại, đồng bộ, còn tại các DN nhỏ và vừa, hiện vẫn chủ yếu là khai thác thủ công  dựa vào sức người từ: khoan, nổ mìn, cậy bẩy, pha bổ, bốc xúc, nghiền sàng… 

Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, ngành khai thác đá xây dựng hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về quy hoạnh, định hướng phát triển; phương pháp khai thác, chế biến sản phẩm; tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường; và việc triển khai các quy định về ATVSLĐ...

Ông Hà Tất ThắngÔng Hà Tất Thắng

Thống kê trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra gần 6.000 vụ TNLĐ làm hơn 6.000 người bị thương, 570 người chết, thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng. Phân tích cho thấy, TNLĐ xảy ra trong khai thác đá xây dựng chiếm khoảng 15% trong tổng số các vụ TNLĐ trong cả nước. Giai đoạn 2009 - 2013, trung bình mỗi năm xảy ra 230 vụ TNLĐ, làm chết khoảng 70 người, bị thương 200 người, trong đó có nhiều vụ làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại lớn cho DN, xã hội.

Việc quản lý ATVSLĐ đối với các DN khai thác đá xây dựng hiện nay được thực hiện thế nào, thưa ông? 

- Trước tiên, quản lý nhà nước về ATVSLĐ là hoạt động chuyên ngành, đòi hỏi tính thống nhất, được tổ chức chặt chẽ; vừa có tính chấp hành vừa có tính điều hành; đòi hỏi tính ổn định và liên tục. Ngành khai thác đá  xây dựng phải luôn gắn với với mục tiêu phát triển bền vững: khai thác hợp lý; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Khai thác tài nguyên phải gắn với bảo đảm ATVSLĐ, tức là bảo vệ con người.

Ngành khai thác khoáng sản nói chung và khai thác đá xây dựng nói riêng, theo quy định của pháp luật đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt từ cấp phép mỏ; phê duyệt Thiết kế kỹ thuật thi công, tổ chức bộ máy; đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác; tuyển dụng đào tạo cán bộ, công nhân khai thác; quản lý sử dụng vật liệu nổ ngặt nghèo…đến việc khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường lao động cũng như môi trường sống của dân cư, xã hội...

Công nhân khai thác đá xây dựngCông nhân khai thác đá xây dựng

Theo ông cần phải áp dụng các giải pháp nào để đảm bảo ATVSLĐ trong lĩnh vực này?

- Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về ATLĐ, chúng tôi đã đề xuất 6 nhóm vấn đề trong thời gian tới:

 Một là, Nhà nước cần định hướng chiến lược, quy hoạch tổng về khai thác đá tự nhiên.Đây là yếu tố hết sức quan trọng để bảo đảm việc quản lý tài nguyên, khoáng sản không tái tạo được khai thác hợp lí, tiết kiệm; phân bố sản lượng khai thác theo từng vùng một cách có cân đối. Từ đó quyết định cấp phép khai thác cho DN một cách hợp lý, tránh nơi quá thừa, nơi quá thiếu gây cạnh tranh không lành mạnh và tốn kém do vận chuyển xa; chỉ cho khai thác những mỏ đá đã được đánh giá về địa chất, tác động môi trường, trữ lượng, chất lượng phù hợp cho thị trường, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, thiên nhiên, môi trường, an ninh quốc phòng và di sản văn hóa...

Hai là, cần làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương, trong việc quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, phù hợp với xu thế bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Ba là, quản lý nhà nước về ATVSLĐ tốt, sẽ thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Bốn là, Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho ngành khai thác đá vật liệu xây dựng.

Năm là, Nhà nước tạo môi trường kinh tế, kỹ thuật, xã hội….thuận lợi, bảo đảm cho công tác ATVSLĐ hiệu quả. Tạo lập môi trường luật pháp thông qua việc ban hành các chính sách, qui định chi tiết, cụ thể.

Sáu là, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Bởi đây là công cụ hữu hiệu của các cơ quan quản lý nhà nước, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những sai phạm, vi phạm các quy định cấp phép mỏ khai thác, về thiết kế kỹ thuật, tổ chức bộ máy phụ trách, đến việc triển khai thực hiện các biện pháp về ATVSLĐ. Sử dụng thanh tra là công cụ quan trọng để buộc các chủ thể tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác tài nguyên đá, về ATVSLĐ. Qua thanh tra sẽ xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật trong các DN khai thác đá.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, các DN phải chú trọng tăng cường công tác tự kiểm tra tất cả các vị trí hoạt động sản xuất, chế biến đá để hướng dẫn người lao động tuân thủ các biện pháp làm việc an toàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sai phạm không để xảy ra TNLĐ./.

*Cảm ơn ông !