Nhà báo tự do Yaroslav thực hiện phóng sự ảnh về xưởng chế tác búp bê Matryoshka ở thị trấn Semenov (thuộc TP Novgorod), nơi hiện vẫn sản xuất hoàn toàn thủ công những con búp bê bằng gỗ nổi tiếng của Nga.
Nguyên liệu làm búp bê là những khúc gỗ tròn to nhỏ đủ loại. Sau khi sấy khô và tẩm hóa chất chống mối mọt, phôi được cưa phẳng hai đầu để có độ dài phù hợp.
Máy tiện tiếp tục cho ra phôi hình trụ tròn nhẵn nhụi. Búp bê sẽ ra đời từ những khúc gỗ tròn thế này. Phần việc này mới chỉ chiếm 20% công đoạn làm búp bê.
Điều lạ là máy móc cơ khí ở đây (gồm máy tiện, máy mài, máy cưa) đều là của Đức, thậm chí ghi rõ 'Sản xuất ở Tây Đức', chứng tỏ sự bền bỉ đáng nể của thiết bị Tây Đức cũ.
Những máy tiện cũng tạo hình cho hộp đựng, chân đế của búp bê cỡ lớn.
Công nhân ở Semenov vẫn tự hào vì 80% công đoạn làm búp bê vẫn được họ làm thủ công, giống như cách họ vẫn làm nhiều thập kỷ qua.
Bắt đầu từ đây, việc chế tác thủ công những con búp bê bắt đầu.
Trước tiên là đánh bóng bằng giấy ráp, mài nhẵn và phết lên búp bê một lớp dầu bóng.
Chính vì làm thủ công, công nhân ở đây đều có thể dễ dàng nhận ra bất kỳ búp bê nào được làm thủ công hay sản xuất hàng loạt từ nơi khác, căn cứ vào hình dạng và những nét vẽ.
Mỗi lô hàng được kèm theo một giấy chứng nhận, nếu không đủ tiêu chuẩn sẽ không vượt qua kiểm soát chất lượng, phải loại bỏ toàn bộ lô phôi.
Matryoshka là những con búp bê xếp lồng vào nhau với hai nửa có thể mở ra. Bên trong búp bê to có chứa búp bê nhỏ. Búp bê lớn nhất ngoài cùng thường cao từ 5-30 cm và búp bê nhỏ nhất bên trong có thể chỉ cao 0,6cm.
Phần việc khó khăn nhất là vẽ lên những con búp bê, nhất là những bộ búp bê rất nhỏ, đòi hỏi việc nét vẽ rất kỳ công.
Nét vẽ lên những con búp bê là hình ảnh một phụ nữ Nga quấn khăn, mặc bộ đồ Nga truyền thống. Người phụ nữ này là một bà mẹ, trong là con, cháu.
Từ búp bê lớn nhất tới búp bê nhỏ nhất trong một bộ, con này giống con kia nhưng không được phép giống y hệt. Búp bê ngoài cùng mặc trang phục màu đỏ, con tiếp theo màu xanh lá cây, con thứ ba màu xanh da trời.
Hai con búp bê giống hệt nhau không bao giờ có thể tìm thấy ở đây. Mỗi búp bê Matryoshka có đặc điểm riêng của nó. Đó là lý do tại sao họ không muốn sản xuất kiểu dây chuyền, dù chi phí làm ra 1 bộ búp bê có thể rẻ hơn nhiều.
Một bộ matryoshka có thể có ít nhất 3 con và nhiều nhất là 25 con, đã từng có bộ matryoshka lập kỷ lục có tới 1.800 con búp bê. Các bộ búp bê thông thường là từ 3 tới 12 con.
Công nhân ở đây vẫn làm việc như mô hình hợp tác xã tiểu thủ công thời kỳ Xô Viết, tất cả đều là chủ và nhận lương hàng tháng. Họ nói, đôi khi cũng nhận được đơn đặt hàng từ Nhật Bản thì bận rộn hơn chút.