Được viết theo thể bút ký, “Chạm vào Kailash - Những câu chuyện Thánh linh” được chia thành 9 chương, mỗi chương được chia tách thành từng phần như những câu chuyện nhỏ nối đuôi nhau theo tuyến tính thời gian của hành trình nhưng cũng hàm chứa rất nhiều những hiện tượng, dấu ấn phi tuyến tính của tạo hóa và vùng thánh địa linh thiêng.
“Chạm vào Kailash - Những câu chuyện Thánh linh” không tập trung phân tích các thử thách, khó khăn về địa hình, khí hậu khi chinh phục ngọn núi cao gần 7.000 mét, cũng không đi vào miêu tả chi tiết những khung cảnh hùng vĩ, các địa danh tâm linh nổi tiếng hay bình luận về các giáo lý, khái niệm tâm linh. Điểm hấp dẫn của tác phẩm chính là những ấn chứng thánh linh, những bài học lịch sử, và các tri thức cổ xưa cứ lần lượt xuất hiện qua trải nghiệm và tâm thức của tác giả cùng các thành viên trong đoàn hành hương, sau đó được tác giả xâu chuỗi, chia sẻ xuyên suốt hành trình qua lối kể chuyện chân thực, gần gũi và lôi cuốn.
Những tri thức như “sơ đồ Kora tâm thức”, “sơ đồ tâm linh Kerung”… xuất hiện trong nhân duyên đủ đầy, rồi từ đó dần mở ra những khám phá, trải nghiệm kỳ thú tiếp theo. Trong số đó có sự hiện diện của hệ thống dữ kiện để tác giả kết nối lịch sử hình thành Đại bảo tháp Boudhanath tại Kathmandu - Thủ đô Nepal với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Tây Tạng cùng rất nhiều những điển tích khác.
Bên cạnh đó, bóng dáng của những con số tâm linh luôn hiện hữu trước và trong chuyến đi cũng là những điểm “chạm” lý thú cho độc giả. Cuốn sách mang đầy đủ các đặc điểm của thể loại văn học du ký nhưng cũng lôi cuốn, hấp dẫn người đọc theo cách của một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu.
Và hơn hết, cuốn sách chắt lọc rất nhiều những bài học bổ ích, sâu sắc trong đó có bài học về “ngã” và “tâm thế bình thản đón nhận ánh sáng của tỉnh thức”. Giống như bước chân những hành giả nơi đây, không thảng thốt, không tăng cảm thọ, cũng không vống lên. Bởi như tác giả đã viết, “mỗi lần như thế, là một lần trút bỏ, và thêm một lần trực nhận về cái vắng ngã, thêm một lần để chúng ta được trực nhận về sự trọn vẹn của tâm.”
Tiến sĩ Trịnh Thắng đã viết cuốn sách này trong vòng một tháng ngay sau khi trở về từ Kailash. Điều đặc biệt là ông đã nhịn ăn hoàn toàn trong suốt hai tuần liền khi viết về vòng Kora quanh Kailash.
Tiến sĩ Trịnh Thắng chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này như người thợ dựng nên chiếc cổng tạm trước khi vào một ngôi làng để qua đó khách thập phương có thể mường tượng ra ngôi làng nọ. Kailash là một ngôi làng hùng vĩ và huyền bí hơn cả cổ xưa song cũng lại đương đại hơn cả thực tế. Vì lẽ đó, tôi viết cuốn sách này trong cảm hứng và tương thông thuần tịnh với dòng chảy xuyên vết ấy. Chúc các bạn an lạc và thưởng thức tác phẩm “Chạm vào Kailash - Những câu chuyện Thánh linh” như những bạn đồng hành đích thực với chúng tôi về Kailash”.
Tiến sĩ Trịnh Thắng sinh năm 1972 tại Thái Bình.
Với mong muốn được cống hiến, chia sẻ, ông đã theo đuổi ngành Y và tốt nghiệp bác sĩ tại trường Đại học Y Thái Bình năm 1996. Sau đó ông chủ yếu là tự học Tiếng Anh rồi đỗ thủ khoa trong kỳ thi học bổng Thạc sĩ tại Mỹ do Quỹ Population Council tài trợ.
Ông tốt nghiệp Tiến sĩ y tế công cộng, chuyên ngành khoa học xã hội và hành vi tại trường Đại học Bắc Carolina, Hoa Kỳ (UNC) năm 2007.
Tiến sĩ Trịnh Thắng đã có hơn 20 năm nghiên cứu, giảng dạy và công tác trong lĩnh vực y tế công cộng, giáo dục và phát triển xã hội.
Ông cũng là tác giả của hàng chục cuốn sách về y tế, văn hóa, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bài hát đương đại mang âm hưởng dân gian, khí công và thiền, cùng các cuộc triển lãm tranh cá nhân.