Thác Tà Gụ như một dải lụa trắng khổng lồ
Đồng bào Rắk Lây sinh sống lâu năm trên mảnh đất này, truyền kể lại với nhau rằng, thuở xa xưa, có hai chú voi con do hai cặp voi thủ lĩnh đẻ ra. Một ngày, hai chú voi con này hẹn ra đỉnh núi để thi đấu sức với nhau. Cuối cùng cả hai chú voi đều rớt xuống vực sâu và chết thảm. Voi mẹ đi tìm con, nhìn xuống, thấy xác voi con nên cứ đứng thế trên đỉnh núi khóc thương hết ngày này qua tháng nọ rồi hóa đá. Những dòng nước mắt chảy xuống biến thành dòng thác. Truyền kể là vậy, còn những người già nhất ở Khánh Sơn cũng không nhớ được thác đã hình thành từ khi nào, nhưng nước bốn mùa trong vắt. Ông Pi Năng Hảo kể: "Tôi sinh ra đã có dòng thác này rồi. Dòng thác tắm tám cho cả tuổi thơ, nuôi sống và là nguồn nước của biết bao người Rắk Lây nơi đây. Sau này cũng bởi vẻ đẹp hút hồn và đầy hoang dã của dòng thác nên người ta mới đưa vào khai thác du lịch và ngay lập tức trở thành một điểm đến hấp dẫn".
Không gian quanh thác cũng rất hấp dẫn
Nhiều người từng đến thăm Tà Gụ đều có chung cảm nhận rằng; Khám phá thác nước từng mùa là những trải nghiệm rất thú vị. Cây cở quanh thác dịu dàng vào mùa xuân, tiếng “gầm gừ” mạnh mẽ vào mùa hè, màu sắc sống động khi thu đến và mùa đông nó cũng có sự quyến rũ đến lạ kì. Tiếng thác nước đổ quanh năm, lúc thì thầm thì, khi thì ầm vang như lời tâm sự, than khóc, nỗi nhớ nhung của voi mẹ dành cho voi con. Câu chuyện tình mẫu tử của loài voi mà người dân tộc ở đây kể lại như tạo thêm sắc màu hư ảo cho tên ngọn thác hôm nay. Ai đã từng đi qua nơi này đều hấp dẫn bởi vẻ đẹp kỳ bí này. Nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh từ thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ; “Cái nét đẹp của vùng núi Khánh Sơn là vô tận, nó gồm cả núi non, những thác nước rất hùng vĩ và cả con người nữa. Khánh Sơn dẫu còn nghèo, nhưng chúng tôi luôn cảm nhận được con người và thiên nhiên ở đây thật ấm nồng và chân tình mà hiếm nơi nào có được".