Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khám phá “thiên đường” xứ Thanh

Được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) có giá trị khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái - nơi có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc Việt Nam, với những cánh rừng nguyên sinh - Khu BTTN Pù Luông được ví như một “Đà Lạt” hay “Sa Pa” thu nhỏ tại Thanh Hóa. Ở nơi “thiên đường xứ Thanh” ấy, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình; con người hiền hòa, mến khách...

Hoang sơ mà quyến rũ...

Khu BTTN Pù Luông nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc hai địa phận hai huyện Bá Thước, Quan Hóa. Pù Luông - theo tiếng địa phương của đồng bào dân tộc Thái nghĩa là ngọn núi cao nhất trong vùng. Cùng với VQG Cúc Phương, khu BTTN Ngọc Sơn của tỉnh Hoà Bình tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ, một khu vực đại diện điển hình quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái (HST) rừng trên núi đá vôi có diện tích rộng lớn và có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao còn lại duy nhất trên vùng đất thấp miền Bắc Việt Nam. Nơi đây các nhà khoa học trong nước và quốc tế xác định là khu vực ưu tiên cho việc bảo tồn tính ĐDSH của HST rừng trên núi đá vôi.

Thiếu nữ bên suối.

Thành lập năm 1999, với tổng diện tích quy hoạch hơn 17.000 ha, khu BTTN Pù Luông gồm 3 phân khu chức năng là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm gần 9.000 ha, phân khu phục hồi sinh thái chiếm 8.000 ha và phân khu hành chính dịch vụ chiếm  hơn 215 ha... Được thiên nhiên ưu đãi, khu BTTN Pù Luông là nơi còn lưu giữ nhiều hệ động thực vật với hơn 1.540 loài thực vật và hơn 900 loài động vật. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ thế giới như: Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vọoc xám, vọoc mông trắng, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á... Bên cạnh đó, hệ thống đá Karst của hệ sinh thái đá vôi trong các hang động tại đây cũng vô cùng kỳ vĩ. Những hang động rất đa dạng và độc đáo với những cột đá, riềm đá, chuông đá, những thác Muốn, thác Hiêu... quanh năm nước chảy. Do chứa một lượng đá vôi lớn, nên nước suối Hiêu, dễ làm vôi hóa những bộ rễ cây nằm dưới lòng suối tạo nên những kỳ quan tuyệt tác của tự nhiên.

Ngoài ra, một điểm nữa không thể không nhắc đến, đóng góp phần lớn vào việc tạo nên sức hút cho Pù Luông đó chính là bản sắc văn vóa riêng của đồng bào dân tộc Thái, Mường với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc hiện vẫn được bảo tồn như: Nghề dệt thổ cẩm; kiến trúc nhà sàn truyền thống với những hình chạm khắc đẹp và công phu, thể hiện bàn tay khéo léo và khả năng sáng tạo tài tình của cư dân nơi đây; những tập tục, kiến trúc, ẩm thực... đặc biệt là các đội cồng chiêng trong các bản Mường, Lễ Hội Mường Ca Da và các điệu múa nón, múa quạt của người Thái luôn mang sức hút với khách du lịch. Ngoài ra, nơi đây còn có các địa danh lịch sử trong kháng chiến chống Pháp: Đường 15C, đồn Cổ Lũng, sân bay Pù Luông, sông Mã... Thêm vào đó, cảnh quan Khu BTTN vẫn còn nguyên vẹn, bởi những dải đá vôi, thác nước và những hang động có nhiều thạch nhũ như hang Pốn, hang Nủa thuộc xã Lũng Cao, hang Kho Mường thuộc xã Thành Sơn.

Một góc Pù Luông.    Ảnh: Lê Hùng Chúc

Pù Luông còn có tiểu khí hậu mát mẻ tại vùng Cao Sơn (tên gọi chung của ba bản Son, Bá, Mười) thuộc xã Lũng Cao; thôn Hiêu, xã Cổ Lũng với những đỉnh núi cao gần 2.000m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Nhiệt độ trung bình ổn định từ 18 - 22 độ C, nhưng có những năm nhiệt độ xuống thấp, ở Cao Sơn từng xảy ra hiện tượng nước đóng băng, tuyết, điều đó đã gây không ít tò mò cho du khách gần xa đến khám phá!. Cùng với những nét đặc sắc trong văn hoá truyền thống của các dân tộc Thái, Mường, lại gần các khu du lịch như Mai Châu (Hòa Bình), suối cá Cẩm Lương, thành nhà Hồ, di tích lịch sử Lam Kinh.... nên có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, địa chất, mạo hiểm, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Thiên đường chờ đánh thức...

Có lẽ chính vì sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng mà trước đây người Pháp từng có ý định biến nơi đây thành khu nghỉ mát lý tưởng, mới thấy được tiềm năng về du lịch sinh thái của khu BTTN Pù Luông.

Một góc bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước).

Hàng năm Pù Luông đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến du lịch, khám phá. Vào các mùa từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 đây là thời điểm Pù Luông bắt đầu vụ lúa mới, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chịu. Tháng 9 và tháng 10 là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú, mơ mộng và quyến rũ... Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” hút khách du lịch tới Pù Luông ngắm lúa chín.

Năm 2008, Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI) phối hợp với Ban quản lý khu BTTN Pù Luông triển khai thực hiện dự án xúc tiến du lịch sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có việc chọn một số gia đình để trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn homestay như: Khu vệ sinh, chăn, nệm... để có thể đón khách du lịch trong và ngoài nước, nhằm phát triển du lịch cộng đồng ở nơi đây. Bên cạnh đó, FFI cũng đào tạo cư dân trong cộng đồng biết cách thức nấu ăn đạt chuẩn phục vụ du khách và tiến tới dạy tiếng Anh cho một số người để có thể làm hướng dẫn viên phục vụ du khách... Dự án cũng đã soạn thảo cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch với ý tưởng cung cấp các dịch vụ làm thoả mãn khách du lịch. Đến nay, nhờ sự giúp đỡ của khu bảo tồn đã có 20 hộ được hỗ trợ xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị cho các hộ làm du lịch ở 5 xã thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước.

Đồng bào lên nương.

Tuy nhiên, những con số ấy là quá nhỏ so với tiềm năng, thế mạnh khu BTTN Pù Luông mang lại đủ để “đánh thức giấc ngủ say” của một Pù Luông hoang sơ mà quyến rũ. Ông Lê Thế Sự, Giám đốc khu BTTN Pù Luông cho biết: Trong những năm qua, Ban quản lý khu BTTN Pù Luông đã triển khai thực hiện các Chương trình công tác nhằm quản lý bền vững và bảo tồn ĐDSH, từng bước khai thác tiềm năng về cảnh quan tự nhiên, xã hội và ĐDSH phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí. Việc triển khai các hoạt động trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế của Khu BTTN. Nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đang còn nhiều hạn chế, bất cập khiến du lịch vẫn giẫm chân tại chỗ. Các hệ sinh thái rừng và đa dạng hệ thực vật, động vật rừng chưa được nghiên cứu đầy đủ để phục vụ công tác bảo tồn. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở Pù Luông vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa có chính sách đầu tư phát triển xứng tầm, nếu có cũng chỉ mang tính tự phát, manh mún. Pù Luông hoang sơ mà quyến rũ giữa đại ngàn vẫn chờ được đánh thức...