Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khám phá trò chơi dân gian

Những trò chơi dân gian cho đến ngày nay vẫn vô cùng hấp dẫn, bổ ích, cần được khôi phục và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Trò chơi dân gian mèo đuổi chuột vẫn được nhiều giáo viên mầm non hướng dẫn học sinh chơi đùa.

Trò chơi dân gian mèo đuổi chuột vẫn được nhiều giáo viên mầm non hướng dẫn học sinh chơi đùa.

Sức sống bền bỉ của trò chơi dân gian

Ở cái thời tivi đen trắng còn là của hiếm, thế hệ 7X, 8X đời đầu chúng tôi say sưa với những trò chơi dân gian. Không ai biết các trò chơi ấy có tự bao giờ, chỉ biết khi sinh ra, những trò nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, rồng rắn lên mây, chồng nụ chồng hoa, đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, chơi chuyền (đánh chắt đánh chuyền)… đã rất phổ biến. Lũ trẻ cứ chơi mải miết ngày này qua tháng khác, xóm này qua xóm khác, chơi hoài không biết chán.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, nếu đối chiếu với thực tế, thì các trò chơi này ít nhất còn tồn tại đến những năm 1970, tuy nhiên việc thực hành các trò chơi này giảm dần ở tùy địa phương khác nhau.

Thật đáng tiếc là trẻ em ngày nay chỉ còn được chơi rất ít những trò chơi dân gian cổ xưa. Sự xuất hiện của các thiết bị điện tử và Internet khiến cho các trò chơi dân gian ngày càng mai một, thậm chí là bị lãng quên.

Chỉ đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, trẻ em bị hạn chế ra ngoài, để đỡ nhàm chán, nhiều bậc phụ huynh đã hướng dẫn trẻ các trò chơi dân gian như cá sấu lên bờ, ô ăn quan, kéo cưa lừa xẻ… Và tôi đã thấy những nụ cười sảng khoái, cả những cái chau mày suy nghĩ để làm sao có thể thắng được trong các trò chơi dân gian trên khuôn mặt trẻ thơ. Không chỉ là những trò chơi vận động, trò chơi dân gian còn rèn cho trẻ tư duy sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng, sự khéo léo, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng tính toán nhanh, sự bền bỉ và kiên nhẫn, khả năng phán đoán, cách phối hợp làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết...

Thông qua các trò chơi dân gian, trẻ còn có cơ hội để tìm hiểu về tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, nét đẹp văn hóa vùng miền... Nhiều trò chơi rất dễ, luật chơi đơn giản, trẻ mầm non cũng có thể chơi được. Các trò chơi vui tươi, sống động và gần gũi với cuộc sống giúp trẻ thêm yêu đời như trò chơi nu na nu nống, rồng rắn lên mây, cá sấu lên bờ, mèo đuổi chuột... Mặt khác, các trò chơi dân gian thường diễn ra ngoài trời nên giúp trẻ gần hơn với thiên nhiên, trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu, quan sát thế giới tự nhiên tươi đẹp. Khi trẻ tham gia các trò chơi dân gian, chúng sẽ giảm bớt sự chú ý vào các thiết bị điện tử.

Có những trò chơi dân gian đơn giản, nhưng cũng có nhiều trò người chơi cần rèn luyện, hoặc trẻ cần có sự trợ giúp của người lớn (ví dụ chơi diều, soạn bài đồng dao có ý nghĩa). Khi chơi những trò chơi dân gian này cùng con, cha mẹ không chỉ giúp trẻ có những giây phút thực sự thư giãn, mà còn là những khoảng thời gian vô cùng quý giá để gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Nói một cách ngắn gọn thì hầu hết các trò chơi dân gian đều rèn cho trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc, giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao các ích lợi của trò chơi dân gian với trẻ em, nhất là trẻ lứa tuổi mầm non. Do đó, trong hệ thống giáo dục mầm non hiện nay, rất nhiều trò chơi dân gian đã được các giáo viên giảng dạy và hướng dẫn trẻ thực hành.

Ô ăn quan từng là một trong những trò chơi được trẻ em vô cùng yêu thích.

Ô ăn quan từng là một trong những trò chơi được trẻ em vô cùng yêu thích.

Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ

“Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn là cuốn sách đầu tiên viết về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ XX, được biên soạn bằng tiếng Pháp. Bản tiếng Việt của dịch giả Phùng Hồng Minh mới đây vừa được ra mắt công chúng ngày 18/11 tại Hà Nội.

Với những miêu tả chi tiết cùng những tranh minh họa sống động, “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” đưa độc giả đến với thế giới giải trí vô tư của trẻ em, để rồi qua đó, tiếp cận với những tập tục và truyền thống sinh hoạt của người An Nam xưa theo một cách thức tự nhiên và lôi cuốn.

Trong xã hội hiện đại, rất nhiều trò chơi trong cuốn sách cũng mất đi tính phổ biến. Ngoài tính chất khảo cứu về mặt xã hội học, dân tộc học, “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” cũng là một cuốn sách bổ ích giúp độc giả tìm lại những trò chơi đã bị lãng quên.

Trong lĩnh vực Dân tộc học, cuốn sách của Ngô Quý Sơn có thể coi là tác phẩm tiên phong nghiên cứu về xã hội trẻ em. Cuốn sách đặc biệt đáng quý vì đây là một công trình đầy đủ, sáng rõ và trung thực. Các trò chơi, bài vè, ngạn ngữ,... được mô tả tỉ mỉ, được chỉ rõ địa danh và cung cấp nhiều phiên bản khác nhau. Mặt khác, cuốn sách cũng là một công trình mang lại nguồn tư liệu đáng quý, liên quan đến một chủ đề ít được khai thác.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính cho rằng “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” là lời nhắc nhở mọi người về giá trị của lịch sử. Dù các trò chơi truyền thống dần mất đi, sách giúp các bạn trẻ nhớ về cuội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tác phẩm có giá trị với khoa học giáo dục ngày nay. Nhờ các trò chơi dân gian, trẻ em hình thành tính cách và khám phá thế giới xung quanh, từ đó phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Với người trưởng thành, sách sẽ khơi gợi tiềm thức và kỷ niệm thời thơ ấu.