Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020.
Theo đó, từ đầu năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH được giao 48 đề án và bổ sung 6 đề án. Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất điều chỉnh ghép 14 nghị định quy định chi tiết Bộ luật Lao động 2019 vào 4 nghị định; ghép 2 nghị định thay thế nghị định quy định chi tiết Luật Việc làm vào 1 nghị định. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị bổ sung 3 đề án, xin rút khỏi chương trình công tác năm 2020 là 10 đề án.
Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cần phải trình Thủ tướng Chính phủ 37 đề án, đến nay đã trình 29 đề án và còn 8 đề án cần phải trình trong tháng 12/2020, trong đó có 3 đề án chậm tiến độ.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lê Văn Thanh chỉ đạo, đối với 2 đề án Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; đề án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, giao Cục Trẻ em hoàn thiện hồ sơ, trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 15/12. Hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ trước ngày 18/12/2020 đối với đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
Đối với 5 đề án còn lại, Thứ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ liên quan trình lãnh đạo Bộ trước ngày 20/12/2020 để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đồng thời báo cáo ngay những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo Bộ để kịp thời giải quyết.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề ra một số giải pháp như: chủ động phối hợp với các Bộ liên quan để có báo cáo thẩm định, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ trình. Đồng thời, chủ động làm việc với các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ và đôn đốc lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương còn chưa tham gia.
Báo cáo tại cuộc họp ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ là do quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: các đề án xây dựng mang tính chiến lược, phức tạp, cần bám sát dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030…".
Ngoài ra, thời gian xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương kéo dài; các hoạt động khảo sát, đánh giá, hội thảo xin ý kiến chuyên gia, hội thảo vùng… tổ chức chậm so với kế hoạch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ xây dựng dự thảo đề án.
Trước đó (ngày 3/12), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc họp làm việc với các Bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và có hiệu lực từ 1/1/2021, tình hình xây dựng, trình ban hành các đề án trong Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hiện còn 7 nghị định nợ đọng. Ngoài ra, với các văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021, theo quy định, phải ban hành chậm nhất là ngày 15/11/2020.
Đối với chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 2/12 có 38/367 đề án trong chương trình nợ đọng, chiếm 10,3%, trong đó các bộ tham dự buổi làm việc có 25 đề án nợ đọng. 38 đề án, cộng với văn bản trong chương trình công tác của tháng 12/2020 là 99 văn bản, tổng cộng là 137.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác đề nghị các Bộ, cơ quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ theo tinh thần 1 luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định quy định chi tiết, 1 nghị định chỉ ban hành 1 thông tư hướng dẫn. Cuộc họp cũng đề nghị các bộ, cơ quan nêu lý do nợ đọng, khẳng định có giảm số văn bản được không, thời gian hoàn thành… vì chỉ còn không đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020 và "Bộ, cơ quan nào đã hứa mà không làm được phải chịu trách nhiệm".