Miền Trung oằn mình trong bão
Ngay trước khi cơn bão số 10 vào miền Trung, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn đề nghị các Sở LĐ-TB&XH chủ động nắm bắt tình hình, có phương án chủ động xử lý tình hình; bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt chú ý bảo đảm cho các gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội”, với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ; các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ… |
Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các địa phương ngay sau khi bão tan, nhanh chóng thống kê, đánh giá thiệt hại về người và của do bão gây ra, số hộ thiếu lương thực, hư hỏng nhà cửa... để Bộ tổng hợp gửi Thủ tướng Chính phủ có phương án trợ giúp.
Theo Cục Bảo trợ xã hội, trước khi bão số 10 vào đất liền, UBND các tỉnh đã chỉ đạo, huy động lực lượng sơ tán khoảng 33.998 hộ/116.525 người đến nơi an toàn. Trong đó: Nghệ An 4.332 hộ/17.575 người; Hà Tĩnh 11.593 hộ/43.556 người; Quảng Bình 11.110 hộ/33.541 người; Quảng Trị 6.562 hộ/20.444 người; Thừa Thiên - Huế 401 hộ/1.409 người.
Theo sát tình hình diễn biến bão số 10, Cục Bảo trợ xã hội những ngày qua thường xuyên trao đổi, cập nhật diễn biến và thiệt hại do bão số 10 gây ra tại các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của địa phương, báo cáo Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến trưa ngày 16/9, bão số 10 đã làm 8 người chết; 25 người bị thương.
Bão số 10 còn làm 33 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 123.258 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 6.271 nhà bị ngập. Ngoài ra còn nhiều phòng học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng và một số thiệt hại khác chưa có số liệu thống kê.
Ngay sau khi bão tan, Quân khu 4 đã huy động 9.972 cán bộ chiến sỹ; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh huy động 11.979 cán bộ chiến sỹ lực lượng quân sự, biên phòng và công an triển khai ứng phó với những tình huống xấu xảy ra.
Về phía tỉnh Quảng Bình, cũng có nhiều công văn, công điện chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống bão số 10. Huy động các lực lượng kịp thời khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Đến 12h30’ ngày 16/9, tại Hà Tĩnh và Quảng Bình trời đã hửng nắng, có khoảng 43.000 hộ dân các huyện ven biển, vùng trũng thấp đã trở về dọn dẹp nhà cửa, hàng trăm nhân viên điện lực đang dựng lại cột điện.
Hà Tĩnh và Quảng Bình là 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong chuyến thị sát tình hình thiệt hại so bão số 10 gây ra tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xuất cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại do cơn bão gây ra.
Được biết, các địa phương bị thiệt hại do bão đang khẩn trương thống kê, đánh giá thiệt hại về người và của do bão gây ra và tiếp tục có phương án trợ giúp với mục tiêu cao nhất để tất cả các hộ gia đình bị ảnh hưởng do bão số 10, sớm ổn định cuộc sống.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình chiều tối 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là cơn bão lớn nhất 10 năm qua nhưng do sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, chủ động của địa phương, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nghiêm túc, người dân chủ động phòng chống, chèn chống nhà cửa, do đó thiệt hại được hạn chế so với cấp độ của bão. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, cùng sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. “Việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa do bão số 10 gây ra”. Tỉnh có kế hoạch cụ thể, cùng các lực lượng quân đội và công an, giúp người dân dựng lại nhà cửa bị sập, tốc mái, hư hỏng. Bảo đảm vệ sinh môi trường ngay sau bão. Chỉ đạo khôi phục hệ thống giao thông nông thôn, miền núi có khả năng bị sạt lở. |