Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae In, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) theo hình thức trực tuyến diễn ra vào ngày 31/5 tới.
Với chủ đề: "Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon", hội nghị năm nay sẽ tập trung thảo luận các nội dung hợp tác quốc tế vì mục tiêu phục hồi xanh sau khủng hoảng Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh P4G do Hàn Quốc làm chủ tịch.
Diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công – tư
Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).
P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công – tư, đóng vai trò kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội để cùng thảo luận đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).
Việt Nam là một trong bảy thành viên sáng lập và là đối tác chính thức của P4G. Đến nay, diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên.
Bao gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Etiopia, Kenia, Colombia, Hà Lan, Bangladet, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khắp thế giới…
Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm 2021: 3 nội dung ưu tiên
Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm 2021 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
Cùng với Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22/4/2021, Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 sẽ tạo động lực quan trọng, thúc đẩy quyết tâm và cam kết của cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Biến đổi khí hậu (COP 26) tháng 11 tới.
Hàn Quốc rất coi trọng và đặt ưu tiên cao cho Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm nay nhằm phát huy vai trò trong việc thúc đẩy giải quyết những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, thúc đẩy hợp tác các nước phát triển và các nước đang phát triển trong tham gia hành động vì khí hậu thông qua đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đối tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 cũng là hội nghị đa phương đầu tiên về lĩnh vực môi trường do Hàn Quốc chủ trì. Hội nghị năm nay nhận được sự hưởng ứng và tham dự của đông đảo Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và doanh nghiệp.
Tới nay, Lãnh đạo của hơn 40 nước và 21 tổ chức quốc tế đã khẳng định tham dự, trong đó có lãnh đạo 14 nước và 01 Tổ chức quốc tế khẳng định tham dự Phiên Đối thoại Cấp cao gồm Hàn Quốc, Việt Nam, Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Liên minh Châu Âu, Thái Lan, Campuchia, Etiopia, Kennia, Chile, Cotta Rica, Peru, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ban Tổ chức cho biết Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đang cân nhắc tham dự; Cùng đại diện cấp Bộ trưởng và lãnh đạo của 21 tổ chức quốc tế tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị,...
Việt Nam – thành viên sáng lập với nhiều đóng góp tích cực
Ngày 7/7/2017, Việt Nam tham gia Diễn đàn P4G với tư cách là một trong bảy nước thành viên sáng lập.
Ngày 20/9/2017, Việt Nam tham dự Lễ công bố "Diễn đàn P4G" tại New York với tư cách là đối tác chính thức. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc thay mặt Đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu.
Hội nghị năm nay, với chủ đề "Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon", tại Phiên Đối thoại Cấp cao, Lãnh đạo các nước sẽ tập trung trao đổi 3 nội dung ưu tiên gồm phục hồi xanh từ Covid-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu trung hoà các-bon đến năm 2050, tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công – tư.
Các Phiên thảo luận chuyên đề trao đổi các nội dung như mục tiêu trung hòa các-bon, chiến lược xanh mới, lương thực và nông nghiệp, nước sạch, năng lượng sạch, công nghệ xanh, tài chính xanh, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, đa dạng sinh học, kết nối kinh doanh.
Ngày 5/7/2018, Việt Nam công bố thành lập Diễn đàn quốc gia P4G do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đồng chủ trì và tham gia của các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Ngân hàng nhà nước và các nhóm doanh nghiệp tham gia Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Từ ngày 19-20/10/2018, Việt Nam cử đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ nhất diễn ra tại Đan Mạch với chủ đề "Lãnh đạo toàn cầu vì một tương lai bền vững".
Với tư cách là một trong bảy nước sáng lập P4G, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh việc các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cần chia sẻ, trao đổi, đưa ra các kiến nghị về chính sách cũng như cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án tiềm năng về tăng trưởng xanh.
Cùng với việc tham gia Diễn đàn P4G, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh.
Ta chủ động tham gia vào các cơ chế đa phương về khí hậu, lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn kiện chính thức.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22/4/2021, trong đó ta cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.
Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030".
Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ hai trực tuyến ngày 30-31/5/2021.
Trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, sự tham gia của Việt Nam tại Diễn đàn P4G nói chung và Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ hai nói riêng, tiếp tục khẳng định đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu;
Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong những vấn đề ưu tiên của Việt Nam: phát triển bền vững, đầu tư, thương mại, môi trường, năng lượng tái tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Những định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị và đóng góp tích cực của Việt Nam sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.
Về hợp tác kinh tế: Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ta, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về ODA (sau Nhật Bản), thứ 2 về thương mại (sau Trung Quốc).
Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc.
Về hợp tác lao động: Về hợp tác lao động: Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 2 của ta (sau Đài Loan) và ta là nước phái cử lao động lớn thứ 2 (sau Trung Quốc). Hiện ta có hơn 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Tháng 01/2021, hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS).
Hai bên đang triển khai thí điểm đưa lao động tại một số địa phương Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về hợp tác du lịch: Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc).