Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khánh Hòa: Bất an với tàu không phép

Sau khi bị tai nạn chết hụt 3 tháng trước đến giờ mỗi lần nhìn xuống bến tàu Cầu Đá (Nha Trang, Khánh Hòa), anh Hoàng Đông vẫn còn giật mình, rợn gáy. Cả đoàn khách của anh hôm ấy cũng được một phen thót tim vì giữa mênh mông biển khơi, không một ai mặc áo phao.

 

Nhiều khách du lịch lẫn dân đảo nêm chật trên tàu rẽ sóng ra giữa biển khơi nhưng không ai mặc áo phao.

Bất an...

Anh Hoàng Đông nhớ lại, sau khi leo lên chiếc tàu gỗ không bảng hiệu ở bến tàu Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh Hòa), khi tàu chật kín khách lẫn hàng hóa bắt đầu rẽ sóng ra khơi. Phía trong bờ, các tàu khác vẫn đang tiếp tục ráo riết chèo kéo, mời khách du lịch lên tàu, rồi nối đuôi nhau rẽ sóng ra đảo Bình Ba. Ra đến giữa trùng khơi, tiếng kêu la của khách trên tàu đua nhau cất lên khi những cơn gió róng riết kéo theo những đợt sóng cao, ùa nước vào tàu. Các tàu phía sau cũng vậy. Người nọ xô đẩy người kia, cuống cuồng tìm áo phao, nhưng trên những chiếc tàu này chỉ có dăm áo phao để làm cảnh cho vui nên ai nấy chỉ biết nín thở cầu trời được bình an. Ông Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng đoàn khách du lịch đến từ TP.Hồ Chí Minh đến giờ vẫn run lẩy bẩy mỗi khi nhớ lại: “Tàu chao đảo, đầu óc quay cuồng.., Vào đến đảo Bình Ba vẫn còn hoảng loạn, nôn thốc, nôn tháo. Nếu hôm đó sóng mạnh hơn nữa, chắc tai nạn xảy ra là vô cùng thảm khốc...”.

“Hàng loạt khách khác trên những chuyến tàu hôm ấy cũng hoảng loạn. Sau khi hết một ngày tham quan đảo Bình Ba và các điểm du lịch trên đảo, chúng tôi ra tàu quay về đất liền trong tình trạng cầu mong trời yên, biển lặng”, anh Hoàng Đông kể.

Có mặt tại bến tàu Cầu Đá, tình trạng bất an càng hiện hữu rõ hơn. Hàng chục chủ tàu tranh nhau rước khách. Trên một chiếc tàu có biển hiệu mờ cũ, khách du lịch lẫn người dân sinh sống trên các hòn đảo lỉnh kỉnh ôm những thùng bia, thức ăn chất ngổn ngang trên tàu, sau đó thì người nêm chật cứng, nhiều khách ngồi cả lên thành tàu. Chỉ có vài người cẩn thận tự mặc áo phao. Nhiều tàu khác ở bến tàu Cầu Đá cũng diễn ra cảnh tương tự. Ông Lê Văn Hiệu, khách du lịch đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết: Tâm lý khách đôi khi chủ quan, không muốn mặc áo phao vì vướng víu. Với lại cũng chẳng có ai bảo mặc. Nhiều khách còn không biết sử dụng áo phao, cũng không biết vị trí áo để ở đâu nên khi có sự cố mới loạn cả lên. 

   Ráo riết xử lí

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 7/2016 toàn tỉnh có gần 40 bến thủy chuyên phục vụ khách du lịch đi khám phá các điểm du lịch ngoài khơi, các hòn đảo. Tổng số phương tiện thủy nội địa đã đăng ký hành chính trên 700. Hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy nội địa tập trung chủ yếu ở bến tàu Cầu Đá, Cam Ranh, Vân Phong. Trong số các bến thủy này có đến 16 bến tàu đến thời điểm này chưa được cấp phép.

Trước tình trạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra chỉ đạo nóng để kiểm soát tàu không phép. Ngay sau đó, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra toàn diện các bến thuyền và phương tiện. Kiên quyết không để các phương tiện vi phạm, thiếu an toàn hoạt động.

Từ những cuộc kiểm tra nóng đã phát hiện 23 tàu cá ở khu vực Bình Ba cải hoán thành tàu chở khách du lịch tham quan đảo nhưng không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các quy chuẩn an toàn, thường đón khách không đúng quy định. Có việc chở hàng kèm theo khách, nguy cơ mất an toàn ở mức báo động. Đoàn kiểm tra liên ngành buộc các tàu này phải dừng hoạt động.

Xen giữa những chiếc tàu được cấp phép ở bến tàu Cầu Đá còn có nhiều tàu không phép.

Tại khu vực Vạn Ninh có 9 tàu đã được cấp phép hoạt động, trên tàu có đầy đủ áo phao nhưng không có chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản theo quy định pháp luật; phát hiện 4 ca nô của ông Nguyễn Bá Luân và 1 tàu du lịch mang kí hiệu KH 0124 liên tục đưa đón các đoàn khách du lịch nhưng lại không làm thủ tục xuất bến. Đoàn kiểm tra đã xử lí vi phạm, đồng thời yêu cầu các chủ tàu phải tuân thủ nghiêm các quy định mới cho hoạt động tiếp.

Tại khu vực bến tàu Cầu Đá và một số bến tàu khác ở TP.Nha Trang, Đoàn cũng đã lập 7 biên bản vi phạm lái tàu chưa có chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Đồng thời bắt các chủ tàu phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy chuẩn an toàn cho khách, không được chèo kéo, giành giật khách. Bắt buộc phải trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh. Trước khi tàu khởi hành chủ tàu phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc mặc áo phao của khách...

Trục xuất 64 người Trung Quốc lao động “chui”

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, đến 14/7, tỉnh Khánh Hòa đã trục xuất 64 người Trung Quốc lao động “chui” làm việc cho Công ty Silent Bay và 7 người Trung Quốc đi du lịch nhưng lại làm hướng dẫn viên “chui” cho các đoàn khách Trung Quốc tại cơ sở mỹ nghệ và hàng lưu niệm Tuyết Trinh.