Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khánh Hòa: Hơn 11.926 lao động được vay vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa, đến 20/11/2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP đạt gần 317 tỷ đồng, hoàn thành 73,82% kế hoạch giao. Trong đó dư nợ chương trình hỗ trợ tạo việc làm đạt gần 270 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 11.926 lao động được vay vốn, hoàn thành 72,77% kế hoạch giao.

Báo cáo với Đoàn công tác do ông Dương Quyết Thắng-Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam dẫn đầu, làm việc với tỉnh Khánh Hòa vào chiều ngày 23/11/2023, ông Hồ Đắc Thích-Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, trong năm 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện giải ngân hơn 265 tỷ đồng cho 6.907 khách hàng, thu nợ gần 60 tỷ đồng, dư nợ gần 206 tỷ đồng.

Năm 2023, được Trung ương giao tăng trưởng dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP hơn 222,5 tỷ đồng (trong đó tăng trưởng dư nợ vay nhà ở xã hội: 16,5 tỷ đồng, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo Nghị định 28/NĐ-CP 6,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm 200 tỷ đồng). Đến 20/11/2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP đạt gần 317 tỷ đồng, hoàn thành 73,82% kế hoạch giao.

Trong đó, dư nợ chương trình hỗ trợ tạo việc làm gần 270 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 11.926 lao động được vay vốn, hoàn thành 72,77% kế hoạch giao. Dư nợ chương trình cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội đạt gần 44,4 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 184 khách hàng được vay vốn, hoàn thành 90,31% kế hoạch giao. Dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS theo Nghị định 28/NĐ-CP đạt 580 triệu đồng, giúp 18 hộ trang trải chi phí xây mới nhà ở, hoàn thành 8,53% kế hoạch giao. Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến: trong năm thu nợ 211 triệu đồng, dư nợ còn gần 2 tỷ đồng/167 khách hàng. Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập: trong năm thu nợ 380 triệu đồng, dư nợ còn 588 triệu đồng/11 khách hàng.

Ông Hồ Đắc Thích-Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa báo cáo với Đoàn công tác NHCSXH Việt nam tại Khánh Hòa

Ông Hồ Đắc Thích-Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa báo cáo với Đoàn công tác NHCSXH Việt nam tại Khánh Hòa

Tại điểm giao dịch phường Phương Sơn (TP.Nha Trang), ngày 23/11/2023, bà Nguyễn Thị Đà ở tổ 5 vui mừng nhận được số tiền 40 triệu đồng từ cán bộ tín dụng NHCSXH về chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Bà Đà cho biết, gia đình làm nghề thu mua sắt phế liệu, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay công việc làm ăn của gia đình đã phục hồi trở lại. Nhưng gia đình thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, nay được địa phương xét cho vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi là điều kiện rất thuận lợi để vợ chồng bà có thêm vốn thu mua được nhiều nguồn hàng hơn. "Việc mua bán được mở rộng chắc chắn sẽ tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, giải quyết được việc làm tại chỗ cho 2 vợ chồng và có điều kiện nuôi đứa cháu nội đang ở với ông bà"-Bà Đà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Đà ký hồ sơ nhận 40 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm

Bà Nguyễn Thị Đà ký hồ sơ nhận 40 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm

Cũng trong buổi sáng ngày 23/11, bà Lê Thị Thu Tài ở tổ 7 cũng nhận được 30 triệu đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Bà Tài cho biết, số tiền vay này dùng để làm mái tôn cố định và tăng thêm vốn mua bán nước giải khát, cafe tại nhà. "Giờ Nha Trang kinh tế đã dần phục hồi, khách du đến Nha Trang ngày một đông nên có vốn tôi sẽ mua thêm được nhiều mặt hàng nước giải khát, cafe, phục vụ nhiều khách hàng hơn. Chắc chắn sẽ tăng thêm được thu nhập"-Bà Tài chia sẻ. Được biết bà Tài nay đã 53 tuổi, là phụ nữ đơn thân phải nuôi đứa em bị khuyết tật mù lòa. Việc xét hỗ trợ vốn tín dụng để giúp bà Tài có việc làm nuôi người em khuyết tật là phù hợp với tiêu chí hỗ trợ vốn tín dụng chính sách hiện nay của Chính phủ, nhằm giúp cho người yếu thế có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.   

Bà Lê Thị Thu Tài ký hồ sơ nhận 30 triệu vốn vay giải quyết việc làm

Bà Lê Thị Thu Tài ký hồ sơ nhận 30 triệu vốn vay giải quyết việc làm

Ông Phạm Hoàng Ngà-Tổ trưởng Tổ vay vốn Tổ dân phố Cận Sơn 2 (phường Phương Sơn) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tổ đã xét và giải ngân cho 3 hộ vay vốn giải quyết việc làm và 1 hộ cận nghèo với số tiền 120 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp (0,66% hộ cận nghèo và 0,67% hộ giải quyết việc làm/tháng). Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023 còn được Chính phủ hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi này, các hộ được vay đã dùng vào việc đầu tư buôn bán nhỏ, mang lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững, hạn chế được tình trạng thiếu vốn phải vay "tín dụng đen" ảnh hưởng tiêu cực đến của người có thu nhập thấp. 

Nhân chuyến công tác, Công đoàn NHCSXH đã tặng cho tỉnh Khánh Hòa 1 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo huyện miền núi Khánh Vĩnh

Nhân chuyến công tác, Công đoàn NHCSXH đã tặng cho tỉnh Khánh Hòa 1 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo huyện miền núi Khánh Vĩnh

Theo đánh giá của ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa-Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, trong 11 tháng đầu năm 2023, mặc dù tình hình dịch bệnh, lũ lụt vẫn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của một bộ phận người dân, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và Ban đại diện HĐQT NHCSXH vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 30.836 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tạo việc làm cho 10.205 lao động; giúp 15.473  lượt hộ xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 457 lượt học sinh sinh viên, 1.369 lượt hộ vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; hỗ trợ mua mới, xây dựng 63 căn nhà xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Kết quả cho thấy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,2% vào cuối năm 2022 xuống còn 2,64% vào cuối năm 2023; hộ cận nghèo giảm từ 4,86% vào cuối năm 2022 xuống còn 4,3% vào cuối năm 2023.