Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, đến thời điểm này, 8/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, có 127/136 xã phường, thị trấn ban hành kế hoạch triển khai cấp mình. Hiện tỉnh đã nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 2.306 đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động, trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ đợt 1 cho 786 đối tượng là người bán vé số với số tiền 1 tỷ 179 triệu đồng. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho 12 đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ của tỉnh Khánh Hòa là 142 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các địa phương đã trực tiếp trao đổi một số vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản, kế hoạch liên quan như: cần có văn bản hướng dẫn rõ hơn trong việc thẩm định, hướng dẫn làm hồ sơ hỗ trợ đối với các đối tượng người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, ngoài công lập; người lao động là cá nhân buôn bán nhỏ không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn đóng phí và lệ phí; đối tượng làm công việc bốc vác, đánh bắt thủy sản, hải sản. Một số địa phương đề nghị Sở xem xét đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng như: người làm thuê cho các cá nhân buôn bán hàng quán nhỏ, người lái xe công nghệ, người lao động làm việc tại các công trình xây dựng buộc phải nghỉ việc do công trình dừng thi công để đảm bảo công tác phòng chống dịch …
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa đề nghị các địa phương, các ngành, đơn vị phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, để đảm bảo việc hỗ trợ cho các đối tượng theo đúng quy định và phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm toán sau này. Giám đốc Sở lưu ý, đối với các khoản chi trả bằng tiền mặt, các địa phương phải phối hợp giải ngân nhanh chóng, đảm bảo đưa gói hỗ trợ đến tay người lao động kịp thời, đúng thời điểm người lao động đang gặp khó khăn, nhất là những người lao động tự do, vì phần lớn đều thuộc hộ nghèo, khó khăn của địa phương. Ông Tạ Hồng Quang cũng đề nghị Phòng Lao động- Việc làm nhanh chóng tham mưu bằng văn bản trả lời những nội dung thắc mắc của các địa phương để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với các câu hỏi vượt thẩm quyền, Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH xem xét trả lời.
Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa cho biết: Theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, có 12 chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ đối với người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị tạm dừng hoạt động hoặc mất việc làm.Theo Quyết định 2045 ngày 16/7 của UBND tỉnh, nhóm NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ bao gồm: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; người cắt tóc, gội đầu, massage, bấm huyệt, giác hơi; xe ôm truyền thống; đánh bắt thủy, hải sản; người đạp xích lô; bảo vệ; người bán hàng trong các chợ do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý; người tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch; bán lẻ vé số lưu động.Lao động tự do phải cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận và thuộc một trong các trường hợp: Trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội, khu vực phong tỏa hoặc phải tạm thời dừng các hoạt động để phòng, chống dịch theo yêu cầu, quyết định của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; cách ly y tế tại nhà thuộc diện F2.Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần bằng tiền và thời gian hỗ trợ từ ngày 1/5 đến 31/12/2021. Theo đó, đối tượng bị tạm dừng hoạt động hoặc mất việc làm từ 30 ngày trở xuống được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, trên 30 ngày thì được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, tính theo số ngày thực tế.