Báo cáo với Đoàn công tác, ông Tạ Hồng Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa nêu bật những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cho 143.675 người với số tiền lên đến 290 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68, 116, 126 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ rất nhân văn, thiết thực và kịp thời. Sự hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đã giải quyết được một phần khó khăn cho người lao động bị tác động của dịch bệnh Covid-19 do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ giải quyết khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động mà còn góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tự do, với số lượng người thụ hưởng chính sách nhiều, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết một phần khó khăn cho người dân.
Tại tỉnh Phú Yên, ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết, tính đến hết ngày 1/11/2021, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 100.753 đối tượng với số tiền hơn 145,586 tỷ đồng.
Việc tổ chức chỉ đạo triển khai đã được các ngành và địa phương chủ động ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết và Quyết định hỗ trợ. Đến nay, 11/12 nhóm chính sách đã có hồ sơ phát sinh (riêng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chưa có hồ sơ phát sinh). 110/110 xã, phường, thị trấn có hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Công tác kiểm tra xét duyệt hồ sơ từ cấp xã, huyện đến tỉnh được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ theo quy trình và quy định. Từ ngày 25/8 đến nay, nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp, tập trung chỉ đạo, rà soát đối tượng, phân công giao nhiệm vụ, nhất là đưa ra kế hoạch tiến độ thời gian xét duyệt hồ sơ cho từng xã, phường... nên việc thực hiện đã được đẩy nhanh, với kết quả tích cực như thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tây Hòa”, ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các thành viên trong Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ với Khánh Hòa, Phú Yên khi dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sức khỏe, việc làm, thu nhập của người dân, người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhưng các địa phương đã rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tỉ lệ tử vong thấp hơn so với bình quân một số tỉnh, thành phố phía Nam, đi đôi với đảm bảo với an sinh xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất đưa người dân, doanh nghiệp trở cuộc sống bình thường mới.
Thứ trưởng đánh giá cao các địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết 68, 116 và Quyết định 23, hỗ trợ gạo cho các hộ dân và người lao động gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất kịp thời. Đồng thời, hoàn thiện sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai về các gói hỗ trợ an sinh xã hội. Công tác phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành chặt chẽ, đặc biệt đã huy động cả hệ thống chính trị trong công cuộc phòng chống dịch. Triển khai các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả…
“Công tác bảo đảm an sinh xã hội tại nhiều địa phương triển khai rất nghiêm túc, các chính sách đã đến với người dân, người lao động kịp thời. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, người dân đã hỗ trợ nhau tiền thuê nhà, điện, nước… Điều này thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tương trợ, lá lành đùm lá rách của nhân dân rất tốt”.
Đối với vấn đề lao động, hiện tại nhiều lao động, đặc biệt là tỉnh Phú Yên đã chủ động đưa 17.000 lao động từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về địa phương, chưa kể số lao động về tự phát lên đến hơn 40.000 lao động đã gây áp lực về việc làm tại địa phương trong khi nhiều doanh nghiệp tại địa phương chưa hồi phục sản xuất để thu hút lao động. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên quan tâm, lưu ý thêm người dân từ TP.HCM mới trở về, nếu bà con thực sự khó khăn thì đưa vào gói hỗ trợ đột xuất. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết 116, có giải pháp giải quyết vấn đề lao động, nhất là những nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp. Tập trung tiêm chủng vaccine, dự trữ thuốc điều trị để người lao động yên tâm làm việc. Giải quyết tốt vấn đề tiền lương, thưởng, làm thêm giờ. Thực hiện tốt điều kiện lao động, chăm lo hỗ trợ cho công nhân lao động, giải quyết vấn đề nhà ở trong công nhân lao động… Các địa phương cần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong việc tăng cường giải quyết chính sách cho vay để trả lương, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại người lao động để phục hồi sản xuất, giảm đóng Quỹ hưu trí, tử tuất.
Trong chuyến công tác này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hội và Đoàn công tác cũng đã đến thăm các một số gia đình bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ở phường Phương Sơn (TP. Nha Trang-Khánh Hòa), xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa-Phú Yên), làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa.