Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu cắt băng khánh thành
Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thân nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu đã ôn lại thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Sinh ngày 1/7/1915, tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất thân trong một gia đình yêu nước. Thấu hiểu cảnh đau khổ của đất nước lầm than, nô lệ do chế độ thực dân cai trị, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào học sinh từ năm 14 tuổi. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tích cực, hăng hái hoạt động cách mạng trong học sinh, công nhân, không sợ hy sinh, gian khổ.
Trải qua 2 lần với 10 năm bị gông cùm trong ngục tù đế quốc, dù bị kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo, đồng chí vẫn một mực kiên trung, giữ vững khí tiết của người cộng sản, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng tuyệt đối và lý tưởng của Đảng và tương lai tươi sáng của dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, được đón từ Côn Đảo trở về, đồng chí tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ, cùng đồng bào Nam Bộ đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ tới thắng lợi cuối cùng mùa Xuân 1975.
Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới, với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động sáng tạo, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, vượt qua những bước hiểm nghèo trước những biến động lớn trên thế giới.
Công cuộc đổi mới do đồng chí và tập thể lãnh đạo của Đảng đề ra và kiên trì thực hiện đã thu được những thành tựu quan trọng, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nhìn thẳng vào sự thật, nói đi đôi với làm, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều trọng trách, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn phấn đấu, giữ gìn đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng đường lối của Đảng.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhằm khẳng định tôn vinh những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đổi mới của đất nước, đáp ứng nguyện vọng, tình cảm và niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên, năm 2008, Ban Bí thư đã cho chủ trương về việc xây dựng tượng đài Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại thành phố Hưng Yên, giao cho các bộ, ngành Trung ương phối hợp, giúp đỡ triển khai xây dựng. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực và triển khai xây dựng, công trình đã hoàn thành trong niềm vui, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, về tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Biểu dương những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên phát huy truyền thống văn hiến, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế, nguồn lực của tỉnh, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Hưng Yên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực và cả nước.