Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khát khao tìm mẹ của nữ kỹ sư bị bỏ rơi từ nhỏ

Một cô gái lạc quan, luôn cười nói động viên bạn bè. Cô gái ấy rơi vào tình huống khó khăn nào cũng nghĩ ra cách giải quyết thỏa đáng, khiến ai cũng phải khâm phục. Không chỉ học giỏi, cô còn rất năng động... Đó là những gì người xung quanh nghĩ về Phan Thị Trang, 23 tuổi, cô bé một mình tự lớn lên. 
 
 


Trang ra trường với tấm bằng đỏ, cộng với rất nhiều kinh nghiệm trong các ngành nghề khác cô từng làm thời sinh viên nên đã được một số công ty mời về làm.
 
Hiện Trang là kỹ sư của một công ty xây dựng lớn tại TP HCM, được mời về làm việc với tấm bằng đỏ. Cuộc sống nay đã dư dả, chứ không còn những năm triền miên ăn mỳ tôm như trước. Trang cũng đang có một người bạn trai yêu thương và trân trọng mình. Song, cứ vào dịp Tết, nhìn cảnh nhà nhà đoàn tụ, nỗi cô đơn lại sống dậy trong cô.
 
"Chỉ cần được biết mẹ đang ở nơi đâu, cho con được một lần nhìn thấy mẹ, gọi tiếng mẹ, một lần rồi thôi cho con biết cảm giác có mẹ là như thế nào cũng thỏa nguyện lắm rồi", cô gái 23 tuổi bộc bạch. Vì ý nghĩ này mà sau bao năm kìm nén, Trang đã đăng tin tìm mẹ trên Facebook. Đến nay, tin tìm mẹ của cô đã được hơn 30.000 lượt chia sẻ.
 
23 năm trước, mẹ của Trang - tên Hương - ở Liên Hương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) yêu một người đàn ông nhưng người này đã đi nơi khác lập nghiệp. Mẹ Trang, khi đó mới 20 tuổi, chịu bao gièm pha nhưng vẫn quyết tâm sinh con. Dù vậy, sau sinh mới một hôm, người mẹ trẻ đã phải bồng con chạy trốn vì bị xua đuổi.
 
Khi được tìm thấy, hai mẹ con Trang đã tím tái bên bụi chuối. Sau cùng, nhờ người nhà làm cho một cái chòi gần đền thờ làng, mẹ Trang ru rú ở đó nuôi con. Hơn một năm sau, chị gửi con lại cho bà ngoại mình - năm đó đã 82 tuổi - đi làm ăn xa. "Trong ký ức của em không hề có mẹ. Nhưng em vẫn nhớ mỗi lần hỏi, cố đều nhắc lại lời hứa của mẹ: 'Mẹ mi nói đi kiếm tiền làm nhà cho 3 mẹ con, bà cháu ở, chừ chưa kiếm được tiền nên chưa về, đợi mẹ mi có tiền sẽ về thôi'", Trang nhớ lại.
 
Cô bé ngây thơ lớn lên không một lời oán trách. Cuộc sống tột cùng vất vả, nhưng Trang chỉ nghĩ mình "vất vả hơn các bạn một chút". Từ năm học lớp 2, Trang đã thay cố đi chợ, theo người dân ra biển xin cá, nhặt củi, hốt phân để có tiền sinh sống. Tuổi thơ của cô bé mồ côi trải qua ngọt ngào và yên bình trong tình thương của cố.
 
"Ngày nhỏ thích nhất là những lần ngồi đầu hè với con chó nhỏ, ngóng cố đi chợ về. Có lần cố đi têm trầu đám cưới, giữa trưa mới về, liền móc từ túi ra cho em một miếng thịt bò và nắm xôi. Em đón lấy hạnh phúc nhưng rồi hoảng hốt khi thấy cố chảy máu cam, do đi trời nắng quá", những giọt nước mắt rơi mỗi khi Trang nhớ về cố mình.
 
 


Ảnh mẹ của Trang thời trẻ.
 
Cuối năm lớp 8, cố của Trang khi đó 96 tuổi qua đời. Trước lúc đi, cố còn nhắn nhủ: "Còn lại một mình thì mi cứ ở đây, cố sẽ về ấp mi ngủ hằng đêm".
 
Giường đốt theo cố, Trang phải dỡ cánh cửa lấy chỗ nằm. Sau này hàng xóm khuyên ở thế nguy hiểm, cô bé đành đi ở giúp việc một thời gian, có thời điểm lại đi ở cùng với một cụ già vừa mất chồng, con. Cuối năm lớp 10, chính quyền xây cho Trang một ngôi nhà tình nghĩa, cô bé được trở về tổ ấm của riêng mình.
 
Cuộc sống một mình có nhiều biến cố cũng như hiểm nguy, Trang vẫn tự thân vượt qua. Có đêm khuya, Trang đang học bài bên cửa sổ thì có một gã đàn ông cởi trần mon men tới xin ngủ cùng. "Không hiểu lúc đó em lấy đâu can đảm vẫn bình tĩnh từ chối những yêu cầu của hắn, kéo dài thời gian được đến lúc cậu em tới đuổi hắn đi".
 
Với mức hỗ trợ 180.000 đồng mỗi tháng, không đủ chi phí cho cuộc sống, món ăn quen thuộc của Trang hàng ngày là mỳ tôm. Mỗi ngày cô đạp xe hai lượt từ nhà đến trường, mỗi lần 16 km. Trưa về ăn gói mỳ tôm sống, buổi chiều có hôm ăn mỳ, có hôm cắm cơm rồi ăn lại gói muối còn sót từ túi mỳ lúc trưa. Người hàng xóm thương tình, thỉnh thoảng mang cho bát canh, con cá.
 
Để năm lớp 12 được yên tâm học hành, hè trước đó Trang đi theo cánh thợ xây đổ bể tông. Là cô gái duy nhất trong nhóm thợ nên mỗi lần xách bê tông lên đổ, ai nấy quay lại nhìn Trang "á à", khâm phục. Ban ngày làm chỗ này, ban đêm đi làm ca chỗ khác, sau hơn một tháng, cô gái trẻ kiếm được 7 triệu đồng, đủ để trang trải cho năm cuối cấp.
 
Có lẽ với Trang thời đó, vui nhất là ngày ngày được đến trường. Bạn bè yêu quý và cưu mang. Có lần lớp tạo bất ngờ cho cô bằng cách kéo đến làm cho căn bếp và còn gom góp được một tải dầu ăn, muối, mắm. "Năm lớp 12 em không còn phải ăn khổ như năm lớp 11 nữa. Nửa kỳ sau, bố mẹ của một người bạn ở lớp còn đón em về chăm sóc", Trang cảm kích.
 
 


Sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh nhưng Trang luôn sống lạc quan và không bao giờ thấy mình khổ. Đối với cô gái trẻ này lạc quan là chìa khóa để cô sống vui vẻ, thành công trong những năm qua.
 
Ngày lên đường vào Đại học Giao thông vận tải, Trang đã ngồi hàng giờ bên mộ cố, tự hứa sẽ sống vui hơn nữa. Suốt 4 năm đại học, dù được nhà trường miễn học phí, nhưng cô luôn tranh thủ làm thêm để có một khoản dự trù. Trang vẫn nhớ mãi lần Tết năm nhất đi làm thêm 19 tiếng/ngày mà chỉ được trả 60 nghìn đồng. Làm được 2 tuần cô mới biết và kiến nghị thì bị bà chủ đuổi mà không trả một đồng tiền lương. Tết đó, Trang đành phải ở lại ký túc xá.
 
Nếm trải đủ khó khăn nhưng Trang vẫn một mình bước vào đời vui vẻ, thành công và xinh đẹp. Cô đang có một công việc với mức lương rất tốt. Khoản tiền đầu tiên trong đời cô đã dành xây mộ cho cố. Kế đó, cô cũng mong muốn tìm lại mẹ. 
 
"Mấy hôm nay em nghe người ta nói nhìn thấy người giống mẹ em đang ở Đà Lạt. Chắc chắn tuần tới đây, em sẽ lên đó thử tìm mẹ xem", cô gái nghị lực hạ quyết tâm.
 
Ông Phan Văn Cuông, bí thư xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết Trang sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng những gì cô phấn đấu đã trở thành tấm gương ở quê nhà. 
Một số thông tin về mẹ của Trang:

- Mẹ Trang tên Hương (từng nghe nói họ Chu), sinh năm 1973, quê ở thôn Liên Hương, Cẩm Dương, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

- Bà ngoại tên Phan Thị Kiều. Cố ngoại (người nuôi Trang thời nhỏ) thường gọi là cố Kiều. Những người anh em của mẹ tên Thanh, Tuấn, Tú.

- Trang sinh ngày 30/01/1994 (19/12/1993 âm lịch, tên do bà đặt, mẹ không biết.
 

Thông tin về mẹ của Trang liên hệ về số điện thoại của cô: 0962 565 097. 

Theo Phan Dương - Ảnh: NVCC (Vnexpress.net)