Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khát lao động đi biển

Sau Tết Đinh Dậu, hàng loạt bến tàu, cảng cá dọc các tỉnh Nam Trung Bộ đã sẵn sàng vươn khơi đánh bắt. Tuy nhiên, ở nhiều cảng cá vẫn thiếu trầm trọng lao động đi biển, đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Nhiều ngư dân lành nghề tách ra là chủ tàu nhưng trưng biển tuyển dụng mãi vẫn không đủ lao động để xuất quân.

Tàu nằm chờ người

Theo Trung tâm quản lý và khai thác các công trình thủy sản tỉnh Khánh Hòa thì đến ngày 10/2, rất nhiều chủ tàu đang nóng ruột như ngồi trên đống lửa vì chưa đủ người để vươn khơi, đặc biệt là các chủ tàu mới. Các cảng biển ở Khánh Hòa tập trung gần 5 vạn lao động đánh cá, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thống kế sơ bộ hiện nay có trên 2.000 tàu đánh bắt xa bờ thiếu lao động. Ngồi nhìn chiếc tàu có công suất 700CV (mã lực) đã chuẩn bị đầy đủ các ngư cụ nhưng vẫn phải nằm im, thuyền trưởng Nguyễn Công Hải ở cảng Vĩnh Lương (Nha Trang, Khánh Hòa) nôn nóng cho biết: nhiều tàu khác có khi đi đánh được vài chuyến từ Tết đến giờ rồi. Vậy mà tàu chúng tôi vẫn chưa đi được chuyến nào. Đi tìm lao động đỏ cả mắt mà không ra. Nhiều lao động họ quen với các chủ tàu lâu năm nên dù có nghỉ ở nhà họ cũng không đi làm cho những chủ tàu mới như chúng tôi. Thành ra vận động mãi mới kiếm được vài lao động.

Chung cảnh như ông Hải, ông Huỳnh Văn Chung ở cảng Hòn Rớ (Nha Trang) cũng cho biết; tôi và hơn 10 chủ tàu khác cũng đang thiếu lao động trầm trọng. Mấy năm trước tôi theo các tàu khác để đánh bắt thuê cho họ nhưng dần tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng nên đứng ra mua tàu riêng và làm chủ tàu. Có mấy lao động từ trước Tết đã cam kết sẽ đi biển đúng ngày hẹn nhưng rồi họ lại bỏ đi làm việc khác thành ra tàu mới đóng xong nhưng vẫn cứ phải cột dây neo ở bờ vậy. Vay vốn ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đóng mới con tàu mang công suất 650CV nhưng ông Lê Văn Bảy ở Vĩnh Lương vẫn phải chờ lao động, chưa vươn khơi được chuyến nào. Ông lo lắng cho biết: nếu cứ phải để tàu nằm không thế này thì không biết lấy gì mà trả tiền hàng tháng cho ngân hàng nữa. Lao động chưa thạo nghề, chưa quen với biển dã thì không dám tuyển vào làm. Lao động lành nghề thì khó tìm quá.

 

                                                  Nhiều tàu phải nằm chờ lao động

Cảng cá Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) được đầu tư hiện đại, có đầy đủ dịch dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm cho khoảng 320 tàu cá có công suất đến 300CV trở lên. Tuy nhiên những ngày giữa tháng 2 này, nhiều tàu cá vẫn phải nằm im chưa ra ngư trường được vì chưa đủ lao động. Ông Lợi, một chủ tàu lâu năm cho biết; các kỹ năng cần có đối với ngư dân khi vươn khơi ngày càng đòi hỏi khắt khe để sử lí các sự cố khi ra các ngư trường lớn. Bởi vậy nên ngay từ trước và trong Tết các chủ tàu đã tranh thủ đi “đặt cọc” các lao động lành nghề rồi. Riêng cảng cá Đại Lãnh có đến gần 40 tàu đang không có lao động để vươn khơi.

 Cần có cam kết để ổn định tâm lý

Theo lý giải của nhiều chủ tàu lâu năm ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ thì một trong những nguyên nhân chính khiến các chủ tàu mới không tuyển được lao động là do: việc đánh bắt ngày càng khó khăn, thu nhập bấp bênh, không phải chuyến ra khơi nào cũng thắng lợi. Các chủ tàu mới lại không dám cam kết là không thu được nhiều sản phẩm cũng phải trả công đầy đủ nên không tuyển được lao động. Nhiều ngư dân ở cảng Đại Lãnh cho biết; Các chủ tàu mới tiềm lực kinh tế thường eo hẹp lại không kí cam kết nên lao động sợ vươn khơi không đánh được nhiều tôm cá thì phải về tay không.

Nhiều chủ tàu ở Phú Yên cũng vì không dám cam kết hoặc ứng tiền trước cho các ngư dân nên cũng thiếu lao động vươn khơi trầm trọng. Theo Sở NN&PTNT Phú Yên thì có đến hàng trăm chiếc tàu đang phải nằm im, không ra ngư trường được vì không có lao động. Nhiều chủ tàu ở phường 6 (Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết; tiền công cho lao động đi biển bây giờ cũng rất cao. Nếu lao động lành nghề lên đến vài triệu một ngày. Vậy nhưng việc nắm bắt luồng tôm, cá trong mỗi chuyến đánh bắt ngày càng khó khăn nên nhiều chủ tàu không dám hứa trước. Chưa kể, nhiều lao động đánh cá thuê là người ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Miền Trung sau Tết họ không vào hoặc chưa kịp vào nên các chủ tàu phải ngồi chờ đợi. Để góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho các ngư dân, Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cho biết trong thời gian tới sẽ có phương án đẩy mạnh đào tào nghề ngư nghiệp cho các khu vực có đông ngư dân làm nghề đánh bắt thủy-hải sản.