Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khi bé gái “đèn đỏ” thất thường

Thời nay, các bé gái có xu hướng dậy thì khá sớm. Nhiều em 11-12 tuổi đã có kinh nguyệt (còn gọi là đèn đỏ). Nhiều bà mẹ có con gái mới lớn, tìm gặp bác sĩ cho biết, con gái có chu kỳ “đèn đỏ” thất thường. Các bà mẹ lo lắng không biết nguyên nhân vì sao và liệu có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của con về sau không?

Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì

Chị Mỹ Lệ (Hà Nội) chia sẻ, con gái chị năm nay lên 16 tuổi, đã có “đèn đỏ” được bốn năm nay. Gần đây chị mới biết trong suốt những năm qua, chu kỳ của con gái rất thất thường. Cháu chia sẻ với mẹ rằng, có tháng chu kỳ “đền đỏ” kéo dài 3 ngày, có tháng “đèn đỏ” dài tới 9 ngày. Thậm chí, năm con 14 tuổi, 3 tháng liên tục không hề thấy có “đèn đỏ”, song do bận học cháu không chia sẻ với mẹ. Tình trạng này kéo dài suốt 4 năm khiến người mẹ rất lo lắng.

Chị Mỹ Lệ băn khoăn, liệu “đèn đỏ” của con bị thất thường như thế có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của con về sau không và nên làm gì lúc này? Thắc mắc này của chị được BS Phan Thị Bích Thuận - Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội giải thích: Kinh nguyệt là hiện tượng ra máu âm đạo sinh lý tự nhiên ở phụ nữ theo một chu kỳ nhất định. Mỗi chu kỳ, trứng sẽ phát triển trong cơ thể và phóng ra khi trưởng thành, sẵn sàng để thụ tinh và tạo thành phôi thai. Khi đó, lớp niêm mạc ở tử cung sẽ dày lên, chuẩn bị cho sự làm tổ của bào thai. Trong trường hợp trứng phóng ra không gặp và không thụ tinh, lớp niêm mạc không cần thực hiện chức năng làm tổ cho phôi thai sẽ bong ra, tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi bước vào tuổi dậy thì ở độ tuổi 12-16 tuổi, chu kỳ “đèn đỏ” của các bé gái thường có sự biến đổi rất lớn vì cơ thể vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhất là buồng trứng vẫn chưa phát triển toàn diện, dẫn tới nội tiết tố nữ chưa ổn định. Khi đó, trứng không phát triển hoặc không phóng noãn sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt của các bạn gái bị rối loạn.

Theo BS Phan Thị Bích Thuận, trường hợp bạn gái năm nay 16 tuổi xuất hiện kinh nguyệt đã được 4 năm nhưng vẫn chưa đều thì khả năng cao là rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì vì nồng độ hormone, nội tiết tố, các cơ quan sinh dục chưa ổn định và phát triển hoàn toàn. Rối loạn kinh nguyệt cũng có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý, căng thẳng, áp lực. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì sẽ dần ổn định theo thời gian và không gây ảnh hưởng tới khả năng mang thai. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn nên đưa cháu đến các bệnh viện chuyên khoa sản để thăm khám và loại trừ các bệnh lý gây rối loạn kinh nguyệt như buồng trứng đa nang, suy buồng trứng, suy tuyến yên… để có biện pháp điều trị, theo dõi kịp thời tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Giúp điều hòa kinh nguyệt

Để điều hòa kinh nguyệt, BS Phan Thị Bích Thuận khuyến cáo, chị em phụ nữ nên chú ý tới những điều sau:

BS Phan Thị Bích Thuận đang thăm khám cho một bé gái.

BS Phan Thị Bích Thuận đang thăm khám cho một bé gái.

- Có chế độ ăn khoa học, hợp lý, đầy đủ dưỡng chất: Tốt nhất nên dùng các thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao, như thịt bò, thịt gà, gan, nghệ, củ cải, cá, hạt óc chó… có tác dụng thúc đẩy hoạt động tái tạo hồng cầu và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do rong kinh, cường kinh kéo dài.

Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, các loại hạt ngũ cốc… vào trong chế độ ăn. Đặc biệt, đậu nành là một trong những loại thực phẩm giúp tăng cường nội tiết tố ở nữ giới.

Uống đủ nước mỗi ngày tùy theo trọng lượng cơ thể, để cơ thể loại bỏ độc tố, bài tiết, vận chuyển dinh dưỡng vào cơ thể. Đồng thời, giúp điều hòa kinh nguyệt, tăng lượng máu kinh, cải thiện tình trạng ra máu kinh ít.

Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng… Cần ăn uống đủ bữa, đúng giờ, tránh tình trạng nhịn ăn, bỏ bữa.

- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt đối với trẻ nữ trong độ tuổi dậy thì cần phải lành mạnh, tránh căng thẳng. Nên thực hiện và duy trì một số thói quen để giúp chu kỳ “đèn đỏ” ổn định hơn, như ngủ đủ giấc, bảo đảm 7-8 giờ/ ngày. Không thức quá khuya, trước khi đi ngủ nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích. Tập luyện thể dục 30-45 phút mỗi ngày với các bộ môn có cường độ vừa phải như bóng rổ, bơi lội, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga…

Ngoài ra, cần phải chăm sóc vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, thông thoáng, đặc biệt bạn trẻ không dùng bất kể loại thuốc nào, kể cả thuốc điều hòa kinh nguyệt nếu chưa được thăm khám hoặc không có chỉ định của bác sĩ.