Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

"Khi có thì chẳng ăn dè/Đến khi ăn hết thì dè chẳng ra"

Để có thể tiết kiệm tiền, hàng tháng bạn nên lập kế hoạch chi tiêu càng chi tiết càng tốt. Ảnh: Internet


Câu chuyện muôn thuở: không kiểm soát được việc chi tiêu

Chị Nguyễn Thanh Mai, 27 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho biết: “Mình chưa lập gia đình và đang làm cho một công ty truyền thông lớn, lương tháng của mình khoảng hơn chục triệu, mình sống cùng bố mẹ nên hàng tháng không phải lo tiền thuê nhà, sinh hoạt phí. Nhưng không hiểu sao, tháng lương nào “không cánh mà bay”, mình chả tiết kiệm được đồng nào. Đầu tháng có lương, mình đưa bố mẹ 2 triệu chi tiêu, rồi mua sắm vài bộ quần áo, đồ dùng, thỉnh thoảng đi cafe, ăn uống với bạn bè… Cuối tháng, nhìn ví mà mình chán hẳn...”. Hay như trường hợp của chị Trương Thùy Dương, 29 tuổi, hiện đang làm việc tại Bắc Ninh chia sẻ: “Mình lập gia đình được khoảng 2 năm nay, tháng nào chi tiêu sinh hoạt trong gia đình mình đều ghi ra sổ, nhưng cứ đến cuối tháng xem lại lúc nào cũng thấy chi quá số tiền kiếm được, tháng nào mà con ốm đau hay đi viện, vợ chồng khó khăn quá lại phải đi vay tạm người thân, bạn bè”. Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp đang mất kiểm soát trong việc chi tiêu cho cá nhân và gia đình. Mặc dù cũng có ý thức phải học cách chi tiêu để có thể tiết kiệm, nhưng vẫn rất nhiều người rơi vào tình trạng chi vượt cả mức thu nhập, có người may mắn thì làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Chi tiêu làm sao để có thể dành ra một khoản để làm những việc lớn như mua đất, xây nhà là một điều hết sức xa xỉ đối với nhiều người trẻ.

Tại sao hầu hết chúng ta “đầu tháng dư dả, cuối tháng tằn tiện”?

Những câu chuyện kinh doanh thành công mà mọi người tìm đọc hầu hết là về những nhà đầu tư chuyên nghiệp tự tạo ra gia tài của riêng mình. Họ nghe chuyện về Mukesh Ambani, người thừa kế cả một đế chế rồi đi xây nhà đắt tiền để tận hưởng, thay vì nghe câu chuyện của Dhirubhai, người sống trong căn nhà nhỏ ơi là nhỏ tự mình xây dựng đế chế cho riêng mình. Nhiều người mặc nhiên quan niệm rằng: mình kiếm được tiền bằng năng lực bản thân thì phải tận hưởng giá trị của những đồng tiền đó. Bạn có thể được dạy mình nên mua nước hoa như thế nào, nên đi xe nào, nên ăn uống ở đâu, chứ ít ai dạy bạn cách tiết kiệm từ số tiền bạn kiếm được.
Việc cứ lặp đi lặp lại của vòng tuần hoàn “có tiền - hết tiền - có tiền - rồi lại hết tiền” là do nhiều người chưa có kế hoạch sử dụng đồng tiền bạc một cách khoa học và hợp lý. Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến bạn luôn rơi vào tình cảnh “có bao nhiêu hết bấy nhiêu” mà không hiểu lý do vì sao.

Biết kiếm tiền và chi tiêu tiết kiệm, bạn hoàn toàn có thể mơ về một ngôi nhà nho nhỏ cho riêng mình. Ảnh: Internet


Hãy học cách tiết kiệm từ những bước cơ bản nhất

Nếu vẫn đang loay hoay với cách chi tiêu của bản thân, dưới đây là một vài gợi ý giúp mọi người nhanh chóng làm chủ được tài chính cá nhân và mau có được một khoản tiết kiệm cho mình:

Có ngân sách ăn tiêu cho từng khoản hàng tháng

Đầu tiên và cũng là bước khó khăn nhất, hàng tháng, tự bản thân hãy lên ngân sách chi tiêu bao nhiêu với từng khoản cụ thể. Ví dụ, bạn giới hạn tiền ăn nhà hàng của mình vào khoảng X đồng/tháng. Hết khoản đấy rồi, bạn sẽ phải chịu khó nấu ăn ở nhà. Hay như bạn dùng thẻ cho hầu hết mọi giao dịch mua bán, ngân hàng tháng nào cũng tính xem bạn đã chi tiêu hết bao nhiêu vào những danh mục nào. Thỉnh thoảng, bạn sẽ nhìn lại bảng ngân sách đó để xem mình đã lãng phí ra sao.

Ngân sách giúp mọi người nhận ra rằng sau khi đã trừ đi những khoản cố định, số còn lại chẳng đáng là bao. Nó cũng giúp bạn lên kế hoạch tiết kiệm bao nhiêu phần trăm thu nhập. Nếu có thể thành thạo trong việc phân bổ ngân sách cho từng khoản phù hợp với mức thu nhập của bản thân chính là thành công bước đầu cho bạn.

Có quỹ tiết kiệm cho lúc khẩn cấp

Khoản đầu tư nào hứa hẹn mang lại tiền lãi cao hơn cũng đồng nghĩa rủi ro lớn hơn. Đầu tư toàn bộ số tiền bạn có vào một dự án nào đó chẳng khác nào trò sổ xố may rủi, chẳng may dự án không khả thi thì bạn sẽ mất trắng. Hoặc đúng lúc bạn cần tiền mà dự án chưa thể thu hồi vốn thì cũng sẽ rất khó khăn. Dù ham kinh doanh đến đâu cũng không nên dốc hết hầu bao trong túi. Trong cuộc sống, bạn luôn phải có một khoản tiền để phòng lúc những không may như khi ốm đau, tai nạn, mất trộm, thất nghiệp, hay chỉ đơn giản là muốn có thời gian theo đuổi đam mê của bản thân. Khoản tiền này nên gửi vào kênh an toàn như lập một tài khoản tiết kiệm hay đổi sang những ngoại tệ mạnh như USD - tiền lãi rất thấp nhưng độ rủi ro hầu như là không có.

Bớt tiêu tiền vào những đồ xa xỉ

Không phải cứ xài đồ hiệu thì mới gọi là xa xỉ, tất cả những món đồ không thực sự cần thiết đều là đồ xa xỉ. Một cái áo mới hợp xu hướng nhưng không hợp với bạn hay việc nâng cấp điện thoại đời mới nhất trong khi điện thoại cũ vẫn nghe gọi tốt, đó có thể gọi là xa xỉ. Khi đã có thể tiết kiệm được thì bạn sẽ biết cách lựa chọn những thứ thật sự phù hợp và cần thiết cho bản thân mình, thay vì phung phí tiền bạc vào những thứ phù phiếm. Khi chi tiền cho một việc hay một món đồ nào đó, hãy luôn tự đặt ra câu hỏi “Mình có thật sự cần món đồ này không? Mình sẽ dùng nó vào trường hợp nào?”.

Có rất nhiều người quan niệm rằng, nếu sống mà không biết tiêu tiền thì chẳng khác nào không biết hưởng thụ cuộc sống, tiết kiệm tiền chính là hành hạ bản thân. Nhưng trên thực tế, không phải cứ nhiều tiền và tiêu xài hoang phí đã đem lại hạnh phúc, tiết kiệm cũng là một thói quen tốt, thậm chí còn là bí quyết dẫn đến thành công của không ít người.

Người giàu nhất là người tiết kiệm. Người nghèo nhất là người hà tiện.

Nguyễn Thị Vân Chi/GĐ&TE