Ngôn ngữ độc lạ của các “fan cuồng”
Tuổi mới lớn, hầu như đứa trẻ nào cũng thần tượng một ai đó. Ðó có thể là một diễn viên, ca sĩ hay một doanh nhân, người nổi tiếng. Cũng có bạn trẻ thần tượng chính những người sống xung quanh mình, đó là cha, mẹ, thầy, cô hay một bạn trong lớp. Nhưng đa phần giới trẻ ngày nay thích thần tượng các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là các nghệ sĩ Hàn Quốc. Sự du nhập của văn hóa Hàn Quốc gần đây vào Việt Nam thông qua phim ảnh, âm nhạc và du lịch khiến cho giới trẻ bị tác động tương đối mạnh.
Chị Hân giật mình khi nghe con gái nói chuyện qua Messenger với bạn rằng “Chồng tao hôm nay mới đổi tóc màu hồng. Cute (dễ thương) dã man. Tao nhất định phải có trong tay tấm card (ảnh) mới nhất của chồng để ngắm cho đã mắt”. Có lúc, chị lại nghe loáng thoáng bạn của con nói rằng “Có tin đồn, người iu tao đang hẹn hò với J, nghe mà rầu quá mày ơi!”. Tưởng lũ trẻ mới lớp 7 đã yêu đương nhăng nhít, chị bí mật vào phòng con tìm xem có bức thư tình nào không, nhưng ngoài sách vở thì chỉ thấy tranh ảnh một nhóm nhạc Hàn Quốc. Chị còn thuê một bác xe ôm theo dõi con quãng đường từ nhà đến trường và các lớp học thêm nhưng không thấy con hẹn hò hay tụ tập với bạn nam nào.
Trong một lần nói chuyện với đồng nghiệp, chị Hân bất ngờ khi biết được rằng, các bạn teen bây giờ chuộng cách gọi thần tượng là chồng hay người iu hoặc bias (thành viên được trẻ yêu thích nhất trong một nhóm nhạc). Nhiều phụ huynh khi nghe con gọi thần tượng là chồng thì rất dị ứng, thậm chí còn nghĩ trẻ bị mắc chứng hoang tưởng. Nhưng chúng chỉ gọi thế cho oách thôi, chứ không hề có ý nghĩ sau này phải lấy thần tượng làm chồng như nhiều cha mẹ nghĩ. Ðiều này nghe hơi lạ tai nhưng không đáng lo ngại. Ðáng báo động hiện nay là tình trạng trẻ bị cuốn vào những cuốn album, DVD, card… của thần tượng với giá hàng trăm, hàng triệu đồng. Chúng lấy đâu ra tiền để mua những thứ này? Nếu thần tượng là gương mặt đại diện của hãng thời trang nào đó, thì dù đang đi giày của hãng khác, trẻ cũng sẽ tìm cách để có ngay một đôi giày của hãng mà thần tượng làm đại diện.
Cuộc đua “đu carb bo góc”
Trong giới trẻ bây giờ có một cụm từ là “đu carb bo góc” - card bo góc là những tấm ảnh của thần tượng, tùy vào nội dung ảnh và số lượng phát hành mà chúng sẽ có các mức giá khác nhau. Ngày xưa, thế hệ 8X, 9X cũng chuộng mua poster, ảnh thẻ của thần tượng, tuy nhiên, những ảnh này được sản xuất hàng loạt và có mức giá chỉ từ vài trăm đồng đến vài nghìn. Nhưng nay, giá trị của một tấm card bo góc rất phong phú. Card in gia công có mức giá chỉ vài nghìn, hay hơn chục nghìn đồng, còn card do công ty quản lý nghệ sĩ phát hành có giá từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng. Thậm chí, những card hiếm có thể được teen giao dịch lên tới hàng chục triệu đồng.
Chị Hân sửng sốt khi biết con gái rút hết tiền tiết kiệm trong lợn đất để mua album mới ra mắt của nhóm nhạc BTS. Album có giá 1,6 triệu đồng, cộng thêm tiền phí vận chuyển, cuốn album lên tới hơn 2 triệu đồng. Ðó là một số tiền quá lớn đối với một đứa trẻ mới học lớp 7.
Có thể cho phép con tìm hiểu và sưu tập những thứ liên quan đến thần tượng, nhưng chi trả một số tiền quá lớn cho một tấm card bé xíu là điều các bậc phụ huynh khó chấp nhận. Nhiều trẻ giấu cha mẹ đu card, có trẻ nhịn ăn, nhịn mặc, đập lợn, thậm chí có trẻ còn lấy trộm tiền của cha mẹ để mua album, card, DVD… Nếu cha mẹ không can thiệp kịp thời, trẻ sẽ bị sa đà và trượt ngã trong chính câu chuyện thần tượng của mình.
Ứng xử thế nào khi con quá sa đà vào thần tượng?
Có trẻ chỉ thích thần tượng một cách nhẹ nhàng. Thần tượng ra bài hát mới hay đóng phim, tham dự gameshow nào thì sẽ theo dõi bài hát, bộ phim, gameshow đó. Nhưng cũng có trẻ thích trở thành fan cuồng: tham gia câu lạc bộ fan, thần tượng đi biểu diễn ở đâu cũng cố gắng xuất hiện ở đó để cổ vũ, cày view cho thần tượng, mua tất cả các album, đĩa nhạc, tạp chí có bài viết của thần tượng được phát hành. Thậm chí, thần tượng mặc gì, trẻ cũng sẽ mặc đó, thần tượng ăn gì, trẻ cũng sẽ thử ăn món đó. Thần tượng một cách thái quá có thể khiến trẻ bị kiệt sức và xao nhãng việc học hành.
Cha mẹ không nên coi chuyện trẻ thần tượng là vớ vẩn, không đáng quan tâm. Thần tượng có thể ảnh hưởng rất lớn tới con bạn. Bạn cần biết, con đang thần tượng ai và tại sao. Nếu người con thần tượng, bạn chưa từng nghe tên thì cũng đừng vội vã dè bỉu hay coi thường, hãy âm thầm tìm hiểu để biết người đó là ai. Không phải thần tượng nào cũng hoàn hảo 100%, ai cũng có mặt xấu và mặt tốt, điều quan trọng là trẻ chỉ nên học hỏi những điều tốt đẹp của thần tượng.
Với những trẻ phát cuồng vì thần tượng, nghiện “đu carb bo góc”, cha mẹ cần can thiệp kịp thời. Hãy nói cho trẻ hiểu, thích một ai đó không có nghĩa là phải thu thập tất cả những thứ liên quan đến người đó. Tùy điều kiện và hoàn cảnh mà chúng ta có hành xử sao cho phù hợp. Cho dù con có 10 cuốn album của thần tượng hay không có cuốn album nào thì thần tượng vẫn luôn trong tâm trí con. Nếu vì thần tượng mà nhịn ăn, nhịn mặc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; vì thần tượng mà ăn cắp tiền của cha mẹ để đi mua album, card, DVD…; vì thần tượng mà học hành sa sút;… điều này có nên? Liệu thần tượng có cảm thấy tự hào về những fan cuồng như thế? Chắc chắn là không, bởi đa số thần tượng đều muốn dùng ảnh hưởng của mình để tác động tích cực tới mọi người.
Ðồng hành và hướng dẫn trẻ cách thần tượng đúng đắn, để việc thần tượng không mất quá nhiều thời gian và tiền bạc cũng như ảnh hưởng xấu đến việc học là điều cha mẹ nên làm.