Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khi cuộc sống buộc ta thành người khác

Nhà thơ Huệ Triệu – Triệu Thị Huệ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vừa cho ra mắt tập trường ca mang tên “Người về trong hương”, với gần 100 trang, bao gồm cả một số tấm ảnh về khu vườn nhà của gia đình chị.

Trường ca “Người về trong hương” – NXH Hội Nhà văn phát hành năm 2023.

Trường ca “Người về trong hương” – NXH Hội Nhà văn phát hành năm 2023.

       

Không hiểu sao, đọc những trang thơ đậm chất tưởng nhớ của chị tôi lại liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết đang được nhiều người quan tâm thời gian gần đây “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” của nhà văn Mỹ Deia Owens. Cũng như Kya cô gái nhân vật trong truyện, Huệ Triệu đâu biết và đâu muốn rồi có một ngày “em trở thành người khác” khi người chồng thân thương của chị đột ngột đi xa vì Covid. Chỉ có điều con người khác của chị là con người nhân bản hơn, đằm thắm hơn, thấu hiểu cuộc sống hơn. Nhưng có lẽ cũng bớt đi sự mê đắm, những đòi hỏi dường như là quá cao trong tình yêu “Ta lạc nhau ngay ở phút giây tìm” – thơ Huệ Triệu.

Năm 2021 là năm không thể nào quên với cả thế giới khi dịch Covid hoành hành cướp đi sinh mạng của biết bao người. Khi đầu mùa dịch, tôi thấy Huệ Triệu và nhóm bạn của chị rất tích cực đi làm công tác xã hội như phát rau, củ quả, gạo cho những gia đình khó khăn, tặng quà, thuốc men, khẩu trang cho người bệnh. Thế rồi đến lúc chính chị và cả anh Nhân chồng chi đều bị lây bệnh. Họ phải đưa vào nằm điều trị trong khu cách li và sau đó thì anh Nhân chồng chị đã không bao giờ trở về nữa. Mất mát với chị là quá lớn.    

Khi hoàn thành tác phẩm này để tưởng nhớ người đã mất, để tri ân thành phố thân thương, Huệ Triệu đã viết: "Không có nỗi sợ nào bằng quên đi kí ức”. Mình đã mở đầu trường ca này bằng câu thơ ấy. Thật thế mọi người ạ, mình sợ lúc nào đó biết đâu kí ức nhạt nhòa do thời gian hay vì một điều gì đó chưa biết trước. Cho nên, mình chọn cách ghi lại, trung thực và đau đớn, câu chuyện của gia đình mình, của thành phố mình trong một giai đoạn đau thương và tang tóc nhưng cũng đầy ắp nghĩa tình”.

Nhà thơ Cái Văn Thái trong phát biểu trong ngày ra mắt tập trường ca.

Nhà thơ Cái Văn Thái trong phát biểu trong ngày ra mắt tập trường ca.

Là Huệ Triệu nói vậy, chứ còn thơ luôn có một lối đi riêng, một đời sống riêng – nghĩa là nó phải hay, phải khác lạ, phải mang đến cho người đọc sự đồng cảm và những rung động chân thực. “Người về trong hương” gồm bốn chương, chương một là những câu thơ về mảnh vườn của gia đình chị - nơi mỗi góc cây, mỗi bông hoa dù là một hoa dại, mỗi ngọn cỏ đều là kỷ niệm, đều khiến chị nhớ về người chồng đã mất. Có lẽ vì thế chương này Huệ Triệu viết rất thật, rất dung dị. Nhưng ở tầm cao hơn, khu vườn không chỉ là chốn yên bình của gia đình chị mà còn là nơi thể hiện sự bao dung, che chở của người trồng cây, làm vườn với những người khác, với cuộc đời.

          - Mảnh vườn nhở ươm đầy nắng gió

  Cây mít góc sân, cây bàng ngoài ngõ

  Anh bảo trồng lên che bóng mát cho người.

Và tất nhiên rồi, ở trong khu vườn xanh mát đó, đâu đâu cũng là hình bóng của người đã khuất. Đó là sự quen thân “Cái áo cũ sờn gom ngày nắng ngày mưa, Dáng cao gầy thấp thoáng bóng trưa”. Là những quay quắt nhớ bởi những hoài niệm về những phẩm chất tốt đẹp của người đã xa “Sống nhân nghĩa gặp được người nhân nghĩa, Giúp người không mong được trả ơn”.

Nhà thơ Huệ Triệu và những người bạn.

Nhà thơ Huệ Triệu và những người bạn.

Dịch Covid-19 qua đi chưa lâu nhưng giờ đây dường như nó đang bị lãng quên và cũng phải quên đi thôi. Tuy nhiên, ở chương 2 trong trường ca “Người vê trong hương” những gì diễn ra trong những tháy ngày cam go ấy lại lại ùa về để người đọc có những cảm nhận rất thật và sống động về nó. “Thành phố giữa cuồng phong” chị đã gọi thế về những ngày thành phố bị phong tỏa, những ngày cái chết rình rập mọi ngả phố, mỗi căn nhà.

          - Thành phố của chúng mình những ngày nghẹn thắt

  Giờ nước mắt vẫn trào lên đắng ngực.

Nhưng cũng giữa những “nghẹn thắt” đó có biết bao nhiêu những hành động, những câu chuyện nghĩa tình. Đó là những “tấm bản đồ cứu trợ”, những “tín hiệu trái tim” của những tình nguyện viên và còn là những “cây ATM gạo chảy ra như cổ tích”. Tất cả những điều đó – cả sự đau thương, niềm hi vọng, câu chuyện nghĩa tình, Huệ Triệu nhắc “Con cháu chúng ta mai này không được phép quên”.

Cứ như tôi biết thì Huệ Triệu làm thơ không nhiều. Có lẽ bởi chị quý trọng những cảm xúc thật của mình, cũng có khi là do chị đòi hỏi quá cao, nhiều khắt khe với thơ. Vì vậy khi đọc đến chương “Những ngọn lửa hóa thân” tôi mới lại như thấy một Huệ Triệu tài hoa và tinh tế giống như những câu thơ ngày nào của chị “Chiều vắng chiều bỗng gió một vòng tay”. Giờ đây chị đã không còn người chồng để mà hờn giận, trách cứ, nhưng vượt lên nỗi đau đã thấy sự an nhiên.

 - Thôi đã hết những cô đơn buồn tủi

  Anh hóa thành mây trắng nhẹ nhàng trôi.

Chị đã “trở thành người khác” từ khi vắng anh. Là bởi từ giờ chị phải “yêu thành phố của mình” không phải chỉ cho chị mà còn thêm phần của anh nữa. Chị phải vun xới mảnh vườn đơn giản chỉ là nơi để ai đó có thể “ngả lưng nằm võng mắc lim dim” hay là chốn cho “đôi chim nghiêng cổ mắt biếc tròn, cứ ríu rít từng chùm khế mọng”.

Với những người làm thơ, trường ca luôn là một thử thách đầy khó khăn và Huệ Triệu đã vượt qua. Tên của trường ca thật cụ thể và vì thế nó đã nói lên tất cả - người làm thơ tưởng nhớ về người đã khuất, thấy họ, cảm nhận họ đang về qua những nén hương. Nhưng đó cũng chỉ là cái cớ, điều nhà thơ muốn nói là kí ức dù có đâu thương chúng ta càng và không thể lãng quên. Kí ức của chị về người chống đã tan quyện vào kí ức của cả thành phố hay rộng ra là của nhân loại về những ngày cùng chống chọi lại dịch bệnh.

Chia sẻ cảm xúc trong ngày ra mắt trường ca Người về trong hương..

Chia sẻ cảm xúc trong ngày ra mắt trường ca Người về trong hương..

Những vết thương rồi sẽ được chữa lành, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai. Thành phố đã trở lại nhịp sống vốn có của ngày nào nhưng trong mỗi chúng ta từ những vòm lá, trong tùng cơn gió sẽ nghe ngân mãi tiếng “thì thầm” đừng quên, đừng quên kí ức.

          - Ai như tiếng gió thì thầm mãi

  Ôm chín tầng trời, dạ xót xanh.

Làm thơ, viết truyện, kể cả phim về Covid – 19 có khá nhiều, nhưng khiến người đọc phải suy nghĩ, rung động, thấm thía như trường ca “Người về trong hương” của Huệ Triệu thì hơi ít. Có lẽ do Huệ Triệu là người trong cuộc, nhưng suy nghĩ, cảm nhận, nối đau của chị đều là thật, là tự thâm nếm trải. Và tất nhiên nó đã được thai nghén và thể hiện bằng một cây bút nữ tài hoa, có bản sắc riêng đã được khẳng định qua nhiều tập thơ trước đây của chị.