Trước trận đấu, vẫn biết trình độ bóng đá Thái Lan nhỉnh hơn bóng đá Việt ở cấp độ đội tuyển (điều này lịch sử đã chứng minh, suốt năm 1998 đến nay, đội tuyển Việt Nam chỉ giành được 2 trận thắng trước Thái Lan: Bán kết Tiger Cup trên sân Hàng Đẫy, Việt Nam thắng Thái Lan 3-0, và 10 năm sau cũng tại trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 trên đất Thái U23 Việt Nam giành chiến thắng 2-1, rồi hòa 1-1 trên sân Mỹ Đình ở trận lượt về, sau đó lên ngôi vô địch, còn lại là các trận hòa và thua vòng bảng tại các kỳ SEA Games khi hai đội gặp nhau).
Nhưng ở chiến dịch vòng loại World Cup 2018, người hâm mộ vẫn kỳ vọng đội tuyển sẽ có trận đấu xem được trước người Thái, bởi những kết quả khả quan khi HLV Miura dẫn U23 lọt vào vòng chung kết ASIAD 2016 tại Quata, và gần nhất là trận cầm hòa 1-1 trước đội tuyển Triều Tiên trên sân Mỹ Đình. Thế nhưng, với những gì các tuyển thủ của chúng ta trình diễn trên đất Thái vừa qua, rất khó để chấp nhận.
Cả Khánh Lâm (20) Trọng Hoàng (8) đều vào bóng quyết liệt không cần thiết với cầu thủ Thái Lan.
Trong đội hình ra quân gặp Thái Lan, bên cạnh những tuyển thủ U23 chuẩn bị đá SEA Games 28, HLV Miura tăng cường thêm tiền vệ Trọng Hoàng, tiền đạo Công Vinh (những cầu thủ thành danh trong màu áo tuyển quốc gia, và đã nhiều lần đối đầu với Thái Lan), tuyển Việt Nam chọn lối chơi phòng ngự phản công, đội hình được bố trí thấp phần sân nhà bảo vệ khung thành cho thủ môn Tô Vĩnh Lợi, chờ đợi những pha phản công sắc xảo của cặp tiền đạo Công Vinh-Hải Anh.
Tuy nhiên, diễn biến của trận đấu cho thấy, các học trò của ông Miura đã chơi phòng ngự quyết liệt một cách không cần thiết trước mỗi đường lên bóng của Thái Lan. Trước sức ép của người Thái, ngay cả những cầu thủ tấn công như tiền vệ Trọng Hoàng, Huy Toàn, Công Vinh, Minh Châu... cũng đều lùi về phần sân nhà phòng ngự, khi cầu thủ đối phương có bóng là lao vào tắc bóng quyết liệt, triệt hạ đối thủ. Trận đấu bị cắt vụn bởi rất nhiều lần phạm lỗi của các cầu thủ Việt Nam.
Đội tuyển Thái Lan ở cửa trên so với chúng ta, nhưng không phải là quá mạnh, có lẽ tâm lý “chưa đá đã sợ thua” khiến các tuyển thủ Việt Nam cứ nhìn thấy bóng trong chân cầu thủ Thái Lan là ập vào phá bóng, thay vì đoạt lại bóng để mở đợt phản công. Nắm bắt được tâm lý này, các cầu thủ Thái Lan càng thi đấu đan chuyền bóng tự tin, và không dưới 5 lần họ đã áp sát khung thành đội Việt Nam. Chỉ có sự xuất sắc của thủ môn Tô Vĩnh Lợi, người Thái mới một lần thành công ở phút 81.
Sự thất vọng của người hâm mộ, không chỉ là lối chơi “chém đinh, chặt sắt” của cầu thủ Việt Nam với Thái Lan, mà còn là tinh thần thi đấu của các tuyển thủ. Tại sao những lần đá với Malaysia trên sân của họ ở AFF Suzuki Cup 2014, vòng loại ASIAD 2016 chúng ta chơi tốt, phản công sắc sảo tạo không ít sóng gió cho đối phương, nhưng ở trận gặp Thái Lan lại đá với tâm lý sợ thua như vậy?
Đã có không ít người còn cho rằng, lối chơi của đội tuyển Việt Nam còn thua xa lối chơi của U 19 Việt Nam do HLV Guilaume Graechen dẫn dắt. Không khó để kết luận, tâm lý chấp nhận cửa dưới, đánh giá quá cao đối thủ, dẫn đến lối chơi chỉ nhăm nhăm phá bóng, khiến đội tuyển Việt Nam đã “thua toàn diện” trong con mắt người hâm mộ.
Hy vọng ở SEA Games 28 tới đây, HLV Miura dẫn dắt U23 chơi sẽ khác trong lần gặp lại người Thái ở trận cuối cùng vòng đấu bảng.