Một tâm sự như muốn nói cùng con
Tôi viết ra những dòng tâm sự nhỏ của mình, như cũng muốn nói với các con mình về bà ngoại, về tình cảm của các con với bà.
Mẹ đến ở với gia đình tôi sau rất nhiều sự động viên, chia sẻ của chị em chúng tôi, họ hàng, và chồng tôi. Bố tôi mất sớm, mẹ hai vai nuôi hai chị em gái chúng tôi từ nhỏ. Bao nhiêu kỷ niệm yêu thương với mẹ. Tôi lấy chồng xa, mẹ ở với em út. Em gái tôi lấy chồng muộn, một lòng tôi nghĩ, chắc em thương mẹ nên không muốn phải xa mẹ. Em gái có người cầu hôn, mẹ khóc vui mừng vì con gái út lập gia đình, và cũng khóc vì phải xa con. Mẹ ra thành phố ở với chúng tôi từ đấy.
Ảnh minh họa
Việc bà ngoại ra ở cùng khiến hai đứa con tôi bất ngờ, dù bố mẹ đã nói với các con trước. Với hai cháu, bà ngoại là một năm được về thăm bà hai lần, dịp Tết cổ truyền và dịp nghỉ hè. Dẫu yêu quí các cháu biết nhường nào, mẹ cũng không dễ dàng để ra thành phố, khi ở nhà neo người, lại còn việc ruộng vườn. Những ngày đầu nhà có thêm bà ngoại ở cùng, hai cháu e dè, chào hỏi hay trò chuyện với bà như cho phải phép. Bà ngoại thường chủ động biểu hiện cử chỉ, lời nói trước với hai cháu. Tôi biết bà buồn khi các cháu có phần lạnh lùng và cảm thấy xa lạ, nhất là chuyện ăn uống, sinh hoạt của bà.
Một lần các con chung một câu hỏi với tôi: Mẹ ơi, sau này mẹ cũng già như bà ạ? Mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà và ăn uống như bà thế này ạ? Nghe các con nói, tôi giật mình, chỉ kịp trả lời: Mẹ cũng sẽ già như bà, nhưng còn rất lâu, khi ấy các con đã lớn!
Cùng cơ quan tôi có một chị cùng nỗi băn khoăn tương tự. Hai vợ chồng mỗi người một quê cách xa đến Hà Nội lập nghiệp, rồi lập gia đình. Chị tâm sự: Từ khi sinh đến bây giờ, cháu gái mới được về quê nội có một lần. Khi ấy là hai tuổi nên cháu chưa có ý niệm gì về ông bà. Ông bà vì đường xa, tuổi già nên không thể lên thăm cháu. Vì thế, ông bà chỉ biết cháu qua lời kể của chúng tôi. Rất nhiều lần hai vợ chồng dự định thu xếp cho con về quê, nhưng việc nọ đuổi việc kia, đến nay cháu lên lớp 4 rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Con gái chị mỗi lần xem phim hay đọc sách, thấy hình ảnh ông bà lại hỏi chúng tôi ông bà của nó như thế nào. Lần về quê vừa rồi, đứa con gái 5 tuổi đã giãy nảy khi bố mẹ “bắt” nó phải ở nhà với một người lạ lẫm mà nó phải gọi là “bà”.
Bây giờ, các con rất vui khi được ở cùng bà, các con rất thích được nghe bà kể chuyện, bà giúp con nhiều việc, tuy bà đã già yếu. Sao bố mẹ không cho con về quê thăm bà nhiều hơn hay được nghe chuyện kể về bà, viết thư hay gọi điện hỏi thăm bà sớm hơn?
Lời bày tỏ của con
Chồng tôi là người nhạy cảm. Anh như thấy có một phần lỗi ở hai vợ chồng khi các con thiếu gần gũi, quan tâm đến bà ngoại. Anh nhắc tôi lúc riêng tư, làm sao để hai con có tình cảm yêu quí chân thật với bà. Bất cứ việc gì cha mẹ sẽ là tấm gương để lan tỏa tới các con, nhất là chuyện tình cảm. Trẻ nhỏ ngoài tiếp xúc và gần gũi với cha mẹ thì ông bà là những người thân cận nhất. Với những gia đình mà ông bà, cha mẹ sống chung thì việc dạy con những bài học yêu thương gia đình, đặc biệt là yêu thương ông bà từ thuở nhỏ lại càng trở nên quan trọng hơn.
Tôi thấy các con rất thích tâm sự và trò chuyện với cha mẹ về những điều cảm nhận được từ cuộc sống. Những lúc như thế, chúng tôi gần gũi, giải thích cho con biết những việc đúng, sai; kể cho các con nghe những câu chuyện ngày xưa của cha mẹ đã được ông bà dạy dỗ như thế nào. Những kỷ niệm về bà như thế đã ăn sâu trong ký ức tuổi thơ tôi. Mỗi lần kể lại cho các con chuyện về bà, tôi lại nhìn thấy trong mắt các con những biểu hiện tình cảm.
Ảnh minh họa
Những bữa cơm chiều, những dịp gia đình sum họp đầy đủ, tôi chú ý đến việc để con ngồi chung và trò chuyện cùng bà, gợi ý cho con những hành động nhỏ thể hiện tình cảm với bà như: đấm lưng cho bà, rót nước, lấy tăm cho bà… Các con tôi dần hiểu ra ông bà nội ngoại là ruột thịt gần gũi của mình, ông bà nuôi dưỡng cha mẹ mình và luôn yêu thương các cháu. Khi về già, con cháu chính là nơi ông bà được phụng dưỡng, được quan tâm, kính trọng.
Các con quen dần với nếp sinh hoạt của bà, những món ăn mà bà thích, điều gì khiến bà vui… Những lần đi chơi cả nhà, các con rất vui khi bà có đủ sức khỏe để đi cùng.
Nhân một ngày vui, trong bữa cơm, cả nhà cùng nhắc lại chuyện khi bà ngoại mới về ở cùng. Các con thay nhau bày tỏ: Ngày đầu khi bà về ở, con bất ngờ và luôn tự hỏi: Sao bà không ở quê, bà quen ở đó rồi mà? Các con lạ lẫm nhất là nếp sinh hoạt của bà, bà luôn dậy sớm, bữa cơm bà ăn chậm, bà rất hay hỏi con những chuyện nhỏ, mà chúng con không để ý vì cho là vụn vặt. Bây giờ, các con rất vui khi được ở cùng bà. Các con rất thích được nghe bà kể chuyện, bà giúp con nhiều việc, tuy bà đã già yếu. Sao bố mẹ không cho con về quê thăm bà nhiều hơn hay được nghe chuyện kể về bà, viết thư hay gọi điện hỏi thăm bà sớm hơn?
Nói xong, hai con cùng ôm bà. Vợ chồng chúng tôi nhìn nhau và thấy một ngày ấm cúng vô cùng.
Cuộc sống hiện đại, khái niệm về người ông, người bà ngày càng nhạt mờ dần trong con trẻ - những đứa trẻ có ông bà ở quê. Bởi vậy, bù đắp sự thiếu hụt này, không ai khác chính là các bậc cha mẹ để các con biết kính trọng và yêu thương ông bà.
Sơn Thành/GĐTE