Mỗi cuốn sách một phong cách, một giọng điệu, nhưng đều có một điểm chung là sự kì công đầu tư cho từng nét vẽ, từng lời kể. Nhà văn vẽ và hoạ sĩ viết ở nước ta không phải là hiếm, nhưng những tác phẩm do họ tự viết và vẽ minh hoạ ra mắt trong thời gian gần đây có phải là một xu hướng mới của những tác giả trẻ đa tài? Họa sĩ Bích Khoa (tên thật Lê Thị Bích Khoa) nổi tiếng với nhiều tác phẩm digital-art mang phong cách kì ảo, siêu thực. Cô là tác giả của nhiều truyện tranh như: “Bướm mặt trăng”, “Những câu chuyện kì bí”, “Những câu chuyện ngộ nghĩnh”, “Siêu thỏ”, “Nàng hương tỉnh giấc”... Và lần này, tác phẩm “Những câu chuyện kì bí” gồm 5 câu chuyện lạ kì, ngộ nghĩnh với tranh minh họa bay bổng, đầy cuốn hút. Một cô bé Bánh Mật không vâng lời mẹ bị tan chảy dưới ánh mặt trời. Một nàng công chúa Mây trốn thiên đình, mải chơi nơi trần gian, suýt bị hóa thành những giọt mưa. Một cậu bé Tóc Rối lười nhác đến nỗi cây cối mọc ngay trên đầu, thành nơi để bầy chim bay đến làm tổ. Một chú nhóc ưa vòi vĩnh bằng cách khóc nhè trong mọi tình huống, đến nỗi nước mắt ngập lụt cuốn trôi chú đi. Hai chị em Mặt Trăng và Mặt Trời tị nạnh đổi phiên gác cho nhau, khiến đêm ngày nơi trần gian rối tung. 5 câu chuyện kì bí nhưng không kém phần đáng yêu, ẩn chứa những lời nhắc nhở ý nghĩa dành cho các bé tinh nghịch.
Hơn 10 năm cầm bút với bốn tập truyện ngắn “Lời thề đá”, “Cô con gái ngỗ ngược”, “Gạt nước mắt đi”, “Mười bảy cây số đường ma”, một tập tản văn “Bờ vai cho cả bờ vai” và một cuốn tiểu thuyết “Lần đầu thấy trăng”, nhà văn Võ Diệu Thanh vừa cho ra mắt tập sách đầu tiên viết cho thiếu nhi mang tên “Siêu nhân cua”, và cô tự vẽ minh họa cho sách của mình. Đây là câu chuyện dễ thương được Võ Diệu Thanh viết từ chính nguyên mẫu học trò của mình ở mái trường tiểu học Chợ Vàm B (An Giang). Đọc cuốn sách, độc giả được đắm chìm trong không gian của một vùng sông nước Nam bộ, được làm quen với một lớp học “nhất quỷ nhì ma”, một cô giáo dạy vẽ “không giống ai”.
Trong một chương trình giao lưu với các nhà văn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Võ Diệu Thanh từng trăn trở về việc viết như thế nào để hấp dẫn thiếu nhi. “Siêu nhân cua” có lẽ chính lẽ câu trả lời thích đáng của tác giả. “Ôm ấp giấc mơ viết về văn học thiếu nhi từ 5 năm trước, nhưng mãi tới hôm nay tôi mới bắt đầu. Một phần vì tôi thấy mình chưa cảm hết ngôn ngữ và suy nghĩ của các em, cho tới một ngày, tôi ngộ ra rằng chỉ có bỏ hết mọi luật lệ mình đã bị nhồi nhét suốt mấy chục năm thì mới gần các em hơn được. Mọi thứ rào cản hay-dở, đẹp-xấu, được-mất không còn nhiều ý nghĩa với thiếu nhi. Đó là một thế giới khác hẳn với thế giới mà người lớn chúng ta đang sống. Nó như một vùng đất rộng thênh thang mà mọi luật lệ khô cằn lập tức bị vô hiệu hóa”- Với tâm sự này, Võ Diệu Thanh thừa nhận, “Siêu nhân Cua” đã biến cô thành “một Võ Diệu Thanh hoàn toàn khác”.
Họa sĩ Vũ Thị Thùy Dung - người đã xuất bản nhiều tác phẩm tranh truyện như: “Những đồ vật xấu tính”, “Vương quốc Kẹo Bông”, “Cánh Cam và những khu rừng kì lạ”, “Chú nhện bị lãng quên”, “Rận tìm nhà”... lại thổi một không khí tươi mới, nghịch ngợm và lạ lẫm vào tập truyện ngắn đầu tay “Tôi, Sóc nhỏ và đám bạn rừng” với 10 truyện đồng thoại nhỏ xinh, vừa độc lập, vừa xâu chuỗi với nhau, qua lời kể của nhân vật Sóc nhỏ, kèm lời dẫn của nhân vật tôi - là chính tác giả.
Vũ Thị Thùy Dung đã làm người đọc bất ngờ bởi trí tưởng tượng dồi dào đã tạo ra vô số tình tiết khôi hài, xoay quanh tài kể chuyện ở một chú Sóc mê ăn hạt dẻ – cũng là bạn thời thơ ấu của tác giả. Từ khuôn miệng liến thoắng của chú, những câu chuyện kì quặc về đám bạn rừng lần lượt tuôn chảy, lúc ồn ã lúc rì rầm. Những câu chuyện khéo nhắc ta rằng: Khi loài vật lên tiếng, con người nên lắng nghe! Vốn là một họa sĩ trẻ, đã gặt hái khá nhiều giải thưởng sáng tác và vẽ tranh cho sách thiếu nhi, hẳn nhiên, Vũ Thị Thùy Dung biết cách thu hút độc giả nhỏ của mình, như những vệt màu sống động mà cô thường tung tẩy trên bản vẽ.