Tình người chính là gia vị khiến cuộc sống của người dân ở đây trở nên ngọt ngào hơn
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, từ ngày 11 đến 15/3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đạt mức tương đương và cao hơn đợt mặn đỉnh điểm giữa tháng 2/2020 cũng như tháng 3/2016 (năm xâm nhập mặn kỷ lục).
Từ ngày 6/3, xâm nhập mặn có xu hướng tăng trở lại, đạt đỉnh điểm vào ngày 11 đến 15/3, sau giảm chậm. Chiều sâu ranh mặn 4 g/l lên tới 110km trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; 78km trên sông Hàm Luông, 67km trên sông Hậu, 58km trên sông Cái Lớn.
Hạn mặn năm nay kéo dài, không đủ nguồn nước, người nông dân không chỉ "đứng ngồi không yên" vì đồng ruộng hoa màu lâm vào cảnh héo khô mà họ còn phải "gồng mình" trước việc mua nước ngọt sinh hoạt hàng ngày với giá cao ngất ngưởng.
Được biết, 13/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 (Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang); riêng Tiền Giang, Bến Tre đã ra Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Số hộ bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng.
Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, khoảng 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt; trong đó: 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung, 134.000 hộ ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
Nguy cơ vụ lúa mùa Đông Xuân bị mất trắng
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long là nơi có sức sản xuất nông sản lớn của Việt Nam, đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực quốc gia, trong đó, lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái chiếm sản lượng lớn của cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Cường, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa bởi 3 tác nhân: Thứ nhất, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thứ hai, yếu tố tác động của thượng nguồn ngày càng cực đoan; thứ ba, do hoạt động kinh tế nội vùng. "3 yếu tố này dẫn đến hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt hơn", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, vùng ảnh hưởng của hạn mặn dự kiến sẽ tương đương như mùa khô năm 2015 - 2016, tức sẽ tác động đến 10/13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long với 74/137 đơn vị hành chính cấp huyện.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, tính đến ngày 31/12/2019, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống trên 1,5 triệu ha. Tuy nhiên, đối với 100.000 ha (khu vực các địa phương ven biển), diện tích lúa đông xuân hàng năm có nguy cơ cao ảnh hưởng hạn mặn thì vụ đông xuân năm 2019 - 2020 đã bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khoảng 50.000 ha và chuyển dịch lùi thời vụ cho 50.000 ha còn lại.
Tại Bến Tre, qua đánh giá sơ bộ, hơn 5.000 ha lúa Đông Xuân có khả năng bị mất trắng; thiếu nước ngọt nghiêm trọng để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 20.000 ha cây ăn trái; 1.490 ha rau màu, hơn 100.000 cây giống, hoa kiểng trên địa bàn huyện Chợ Lách; hàng trăm ha nghêu chết do môi trường nước; nhiều ao, bè nuôi cá tra, tôm càng xanh bắt đầu chết do độ mặn tăng cao. Đặc biệt, 57.000 hộ dân vùng bãi ngang, ven biển sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Đến giải pháp tổng thể
Trước tình hình trên, các Sở, ngành, địa phương lựa chọn giải pháp và tổ chức triển khai các công trình khẩn cấp đối với các dự án, công trình cấp bách ứng phó hạn hán trong vùng thiên tai đúng theo quy định hiện hành. Thường xuyên đo mực nước nhằm kịp thời có chỉ đạo, trong trường hợp vượt khả năng, kiến nghị về trên hỗ trợ ứng phó thiên tai…
Để đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt cho người dân và sản xuất là vấn đề hàng đầu được các địa phương trong vùng quan tâm, nhất là vào mùa khô hạn, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đã triển khai các giải pháp ứng phó. Đến nay, tỉnh đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Ngoài ra, tỉnh còn thi công nạo vét kênh mương với tổng khối lượng khoảng 557.000 m3…
Đồng thời kiến nghị, Trung ương cần ưu tiên xem xét xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình trữ nước ngọt cho toàn vùng. Cụ thể là đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt và hệ thống phân phối nước thô cho các tỉnh, thành trong khu vực.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm khô hạn, đồng bằng sông Cửu Long cần phải tránh canh tác vào mùa khô và chuẩn bị trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô. Cụ thể, cần khôi phục chức năng trữ lũ của hai túi nước tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Để cấp nước an toàn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng: Trước mắt, ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh. Đối với nguồn nước mưa cần xây dựng hồ lưu trữ, kết hợp với hệ thống thủy lợi xây dựng hồ trữ nước quy mô lớn, đa mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.
Đối với tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh đã thực hiện nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm trữ nước vào hệ thống kênh, rạch nội đồng; tranh thủ vận hành lấy nước qua cống, trạm bơm Xuân Hòa, cống Rạch Chợ khi độ mặn cho phép; đồng thời, đảm bảo cho người dân không thiếu nước sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm nay.
Về giải pháp dài hạn, đến năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành xây dựng các nhà máy nước theo quy hoạch cấp nước vùng song song với chú trọng đến các giải pháp về công nghệ bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ngập lũ, nước biển dâng và xâm nhập, ông Tuấn chia sẻ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đến nay đã có 5 dự án công trình phòng chống hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019 - 2020 gồm: Dự án Cống Âu Thuyền Ninh Quới; 3 cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh thuộc Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít, dự án ICRSL; Dự án Hệ thống Thủy lợi Trạm bơm Xuân Hòa; Dự án Nạo vét Kênh Mây Phốp ngã hậu; 18 cống dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến tre giai đoạn 1.
Ngoài ra, 11 dự án công trình khác đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hơp với các địa phương tập trung các biện pháp ứng phó hiệu quả. Trước hết, đảm bảo cuộc sống cho người dân, không được để bất kỳ hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt và đảm bảo nước cho sản xuất; bảo vệ mùa màng và không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước.
Đồng thời, các địa phương đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản… để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn. Trong đó, các địa phương ưu tiên các dự án thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 2, hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo, Tân Trụ…, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.