Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Bóng đèn Điện Quang, việc đang được yêu cầu làm rõ. Ảnh: KT
Tại sao bà Hồ Thị Kim Thoa được quan tâm nhiều thế?
Mấy ngày nay, trên các báo đều nói chuyện bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, và một số thành viên gia đình nắm giữ lượng cổ phiếu Công ty Điện Quang lên tới trên 34% với giá trị ước khoảng 668 tỉ đồng. Chuyện này nóng đến nỗi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng quan tâm và chỉ đạo làm rõ.
Thật ra, với tài sản có giá trị gần 700 tỷ đồng, bà Thoa chưa chắc đã lọt top 100 người giàu ở Việt Nam. Tuy nhiên, người ta quan tâm ở khía cạnh khác. Đó là bà Thoa là quan chức cao cấp của Chính phủ với hàm Thứ trưởng. Mà đã quan chức Chính phủ, ăn lương ngân sách, làm sao mà giàu có được?! Trong xã hội có nhiều tầng lớp; có những tầng lớp có thể giàu có, rất nên giàu có. Đó là doanh nhân, các chủ doanh nghiệp, những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Còn có những tầng lớp không thể và không nên giàu có. Đó là quan chức, công chức, viên chức và toàn thể những người ăn lương từ ngân sách Nhà nước.
Khi đất nước đang còn nghèo, quan chức Nhà nước không thể giàu được, bởi vì về nguyên tắc, họ chỉ được hưởng tiền lương và tiền thưởng – những loại tiền này không đủ nhiều để quan chức trở nên giàu có. Vì vậy, mỗi khi có những quan chức có tài sản lớn, báo chí, dư luận xã hội đều quan tâm. Theo suy đoán của nhiều người, nếu quan chức trở nên giàu có bất thường thì sự giàu có đấy khó mà sạch sẽ. Chính vì vậy, khi thông tin về khối tài sản khổng lồ của gia đình bà Thoa được tiết lộ, dư luận tập trung chú ý và muốn biết, bằng cách nào bà Thoa và gia đình có được số tài sản đó? Cách kiếm tiền này của bà Thoa và gia đình có hợp pháp hay không?
Đây là đòi hỏi chính đáng của người dân mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương đáp ứng.
Dân giàu – nước mạnh; quan giàu – nước yếu?
Từ xưa đến nay, chúng ta đã nghe quen tai cụm từ “dân giàu – nước mạnh”. Điều này hợp lý, bởi vì dân là những người trực tiếp lao động sản xuất, trực tiếp tạo ra của cải cho xã hội. Xã hội càng nhiều của cải thì dân càng giàu. Dân giàu nghĩa là có thu nhập cao, đồng nghĩa với việc đóng thuế nhiều. Một đất nước có ngân sách lớn có thể xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại. Đây chính là tiền đề để “nước mạnh”. “Nước mạnh” có nhiều tiêu chí như: bảo đảm khả năng bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm khả năng tranh thủ tối đa những cơ hội phát triển thông qua mở rộng hợp tác quốc tế; bảo đảm nâng cao địa vị quốc tế của đất nước; bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân… Chính vì thế, Đảng ta đề ra mục tiêu phấn đấu là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Còn quan chức, công chức giàu thì sao? Những người không trực tiếp sản xuất, kinh doanh; chỉ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà giàu thì có nguy cơ khiến “nước yếu”. Vì những tài sản lớn họ có được hoặc là do tham nhũng, hoặc là ăn cắp, lừa đảo, xà xẻo ở đâu đấy. Trong bất cứ trường hợp nào, tài sản lớn của họ có được đều không minh bạch, không đúng pháp luật, không phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Cách làm giàu của quan chức liên quan đến lợi ích nhóm. Họ giàu nhưng dân không phục, không tin; họ giàu nhưng đất nước nghèo đi, yếu đi vì những công trình bị “rút ruột”, những dự án hàng chục ngàn tỷ đồng không mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường bị ô nhiễm, nợ công tăng cao…
Vì vậy, nếu bây giờ báo chí và dư luận xã hội có nói nhiều tới cụm từ “quan giàu – nước yếu” thì cũng không có gì lạ. Chỉ có điều, chúng ta không chấp nhận cụm từ này, không chấp nhận những quan chức lấy của công làm của riêng, làm cho đất nước nghèo đi, yếu đi.
Bà Nguyễn Thái Nga (con gái lớn của bà Thoa) được bổ nhiệm Phó TGĐ Công ty CP Bóng đèn Điện Quang vào ngày 17/11/2015. Ảnh: KT
Quan chức giàu – Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng
Cách đây ít lâu, từ việc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức cao cấp với chức vụ là Phó Chủ tịch tỉnh nhưng đi xe biển xanh đắt tiền, vượt tiêu chuẩn nên dư luận, báo chí, rồi cơ quan chức năng vào cuộc. Kết quả là quan chức này đã làm thất thoát rất nhiều tiền của Nhà nước. Dù “ăn tàn, phá hoại” là vậy, nhưng quan chức này thăng tiến vù vù, lại còn có tên trong quy hoạch lên thứ trưởng. Mọi việc đang trong quá trình được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, quy trách nhiệm thì anh ta biến mất. Sau anh ta, lại có mấy quan chức nữa cũng biến mất tăm. Điều này cho thấy, chúng ta còn có quá nhiều lỗ hổng lớn trong quản lý tài sản công và quản lý cán bộ.
Việc quan chức giàu có đã được nhân dân rì rầm bàn tán từ lâu. Dân tinh tường lắm! Với mức lương là đến bộ trưởng cũng chỉ được khoảng trên 12 triệu đồng/tháng, vậy lấy tiền đâu ra để họ xây nhà lầu, mua xe hơi, cho con đi du học ở Anh, ở Mỹ, uống rượu ngoại hàng chục triệu đồng một chai? Người ta cho rằng, nếu chỉ có lương không, bảo đảm cuộc sống bình dị có cơm ăn, áo mặc, cho con cái học trường công cũng đã khó rồi, nói gì tới xe hơi, nhà lầu, du học nước ngoài… Ấy vậy mà thực tế ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều quan chức, công chức có nhà lầu, xe hơi, con cái học nước ngoài.
Thật ra, một số nhà quan sát cho rằng, những gì người ta thấy được, mới chỉ là phần nổi của sự giàu có của một số quan chức mà thôi. Báo chí một số nước trên thế giới, một số trang mạng và các trang cá nhân có đề cập đến việc một số quan chức Việt Nam có tài khoản bí mật ở các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng ở Thụy Sỹ. Điều này người ta nói đến từ lâu nhưng hình như các cơ quan chức năng của ta chưa vào cuộc (mà thực ra cũng chưa biết vào cuộc bằng cách nào?!). “Không có lửa, làm sao có khói?” – Thiết nghĩ, đây cũng là một vấn đề cần quan tâm khi chưa quá muộn.
Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê (con gái thứ 2 của bà Thoa) - Giám đốc Dự án Công ty. Ảnh:KT
Quan giàu và lòng tin
Trong lịch sử hiện đại, sức mạnh của dân tộc Việt Nam nằm ở lòng tin của nhân dân vào Đảng. Để có niềm tin đó, hàng vạn cán bộ, đảng viên đã nêu tấm gương chiến đấu dũng cảm; lao động cần cù, sáng tạo; sống liêm khiết.
Những năm gần đây, trong các văn kiện của Đảng, trong các bài phát biểu của những vị lãnh đạo cao cấp, đã đề cập đến vấn đề lòng tin bị xói mòn. Đúng là dân không thể tin mãi khi một số cán bộ tha hóa, biến chất. Họ trở nên giàu có, sống sang trọng, đài các nhưng chẳng làm gì có lợi cho đất nước.
Đảng ta đã nhìn ra nguy cơ một số cán bộ trở nên giàu có bất thường khiến nhân dân nghi ngờ nạn tham nhũng. Một số cán bộ cao cấp đã bị bắt giam nhưng số lượng chưa ăn thua gì so với thực tế. Công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta đã thu được một số kết quả đáng khích lệ nhưng chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe. Nhiều quan chức vẫn tiếp tục giàu lên bất thường, số giàu nổi đã nhiều, số giàu ngầm chắc còn nhiều hơn. Do vậy, việc rà soát, xem xét quan chức có bao nhiêu tài sản (trên thực tế chứ không chỉ căn cứ vào khai báo của họ); tài sản của họ có “sạch” không, là việc cần làm khẩn trương.
Nếu các cơ quan chức năng (Ủy Ban Kiểm tra TW, Ban Nội chính TW, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành…) làm rõ được các quan chức (từ cấp phòng trở lên) sống đúng với thu nhập của mình, niềm tin trong nhân dân vào chế độ sẽ được củng cố. Đây chính là một trong những điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay.
Nhân việc các cơ quan chức năng vào cuộc việc Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có tài sản khủng, đề nghị mở rộng rà soát một số quan chức khác nữa. Việc này góp phần vào việc chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đàm Trọng
Hồ Bất Khuất/Tạp chí GĐ&TE