Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khi sinh viên, người mẫu sa chân vào “ổ nhền nhện"

Cái mác “sinh viên”, “người mẫu” khi đăng lên các diễn đàn cho các quý ông dường như đắt khách hơn so với gái bán dâm thông thường. Chính vì thế mà các “tú ông, tú bà” không ngại dùng mọi chiêu thức để dẫn dắt các trí thức, chân dài đi vào con đường buôn phấn bán hương.

 

 
Hai nữ sinh viên "làm thêm" với giá 2 triệu đồng mỗi lần "đi khách" bị bắt
 
Sáng giảng đường, tối…
Vụ mua bán dâm mới đây được CAP Trung Văn, quận Nam Từ Liêm phát hiện, có 1 trong 2 gái mại dâm là sinh viên cao học một trường đại học danh tiếng trên địa bàn Hà Nội. Đó là Hà Thị Tố Như (SN 1989) quê Bắc Kạn. Hỏi chuyện mới biết đây không phải lần đầu Như “đi khách”.
Cúi đầu giấu đi những giọt nước mắt và khuôn mặt u ám, Như tâm sự: "Em cũng đã được gia đình cho ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp cấp 3, em thi đỗ đại học trong niềm hân hoan của cả nhà. Chi phí học hành cũng tốn kém, có người đến rủ em đi ngồi với khách cho vui, lại được tiền. Dần dà em bước chân vào nghề này lúc nào không hay. Sau khi tốt nghiệp, lấy chồng, sinh con, nhưng chưa có việc làm ổn định, em quyết định quay lại trường để học cao học và khó khăn lại đến với gia đình nhỏ của em. Rồi em gặp một bạn ít tuổi hơn, bạn ấy rủ em đi. Nghĩ cũng chẳng mất gì, em nhận lời. Và đây là lần đầu tiên em bị công an bắt quả tang khi đang “đi khách”. Biết việc mình làm trăm nghìn tủi nhục, song vì đồng tiền kiếm được quá dễ dàng nên mỗi lần như vậy, em lại "nhắm mắt" gật đầu".
Những trường hợp gái bán dâm “có trình độ” như Hà Thị Tố Như hiện nay không hiếm. Với mác “sinh viên”, hàng “sạch”, những gái mại dâm này thường được nâng giá thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng. Và với thú tiêu khiển “khác kiểu” của nhiều khách làng chơi, lâu nay đã hình thành một đội ngũ “sáng lên giảng đường, tối lên giường”.
Không có học vấn cao, lại khó có thể là “hàng sạch”, song các “chân dài” cũng được ưa chuộng với mức giá còn cao hơn sinh viên nhiều lần. Như đường dây mại dâm khủng vừa bị Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an triệt phá tối  25-5, tại một khách sạn ở Hạ Long (Quảng Ninh). Khi ập vào phòng 805 và 817, lực lượng CSHS đã bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm.
Một trong hai gái bán dâm bị phát hiện là người đẹp L.T.T (29 tuổi, quê ở Quảng Ninh), từng đoạt giải Á khôi tại cuộc thi sắc đẹp của một trường đào tạo về nghệ thuật danh giá và từng được ví là “ngọc nữ”. Theo kết quả điều tra ban đầu, gái mại dâm tham gia vào đường dây này có không ít cô gái là người mẫu, thậm chí là những người đã đoạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp. Chính vì vậy, giá cho các tour mua dâm thường rất “chát”, thấp nhất 1.000 USD/tour, cao nhất 20.000 USD/tour.
Nhiều sinh viên sa chân vào con đường buôn phấn bán hương
Sức mạnh của đồng tiền
Không khó để tìm ra nguyên nhân đưa những cô gái vốn được học hành đầy đủ, có trình độ, hiểu biết, hoặc có vị thế nhất định trong ngành giải trí… sa vào con đường bán dâm. Khi nhu cầu vật chất vượt quá khả năng cho phép, người ta có thể sẵn sàng làm bất cứ việc gì để thỏa mãn.
Một số sinh viên hiện vẫn phải  phụ thuộc vào gia đình, thậm chí có người còn phải hỗ trợ cho gia đình nhưng lại muốn được chưng diện, ăn chơi xa xỉ nên cách dễ nhất là bán đi “vốn tự có” của mình. Còn đối với người mẫu, tuy được khoác trên mình cái danh “người của công chúng” nhưng tiền họ kiếm được từ nghề cũng không dễ dàng, nhất là khi phải “nuôi” cái danh đó, phải tìm cách làm cho mình lúc nào cũng “lung linh”, đẹp đẽ, thì con đường nhanh nhất, ngắn nhất chỉ có mại dâm.
Và cũng không thể không nhắc đến thủ đoạn của các “tú ông, tú bà”. Để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các “đại gia”,  số đối tượng này ngày càng tích cực trong việc tìm nguồn hàng “độc, lạ”, càng dụ dỗ được nhiều trí thức, chân dài tham gia bán thân càng tốt, để “ngồi mát ăn bát vàng”, hưởng lợi cũng chẳng kém những cô gái vất vả “đi khách”.
Nhiều sinh viên sa chân vào con đường buôn phấn bán hương
Cũng như những tệ nạn xã hội khác, gái mại dâm rất khó hoàn lương. Chỉ đến khi nào thân xác tàn tạ, không ai mời ai gọi thì họ mới có thể giã từ cuộc sống đầy ê chề và tủi nhục ấy. Nếu bị phát hiện, cũng chỉ nộp phạt là họ lại có thể tiếp tục  “hành nghề”.
“Nhưng khi những người có tri thức như sinh viên đại học, thậm chí đang học cao học cũng lao thân vào con đường này thì phải có định hướng về đạo đức với những người có tri thức, không nên vì tiền mà chà đạp lên tất cả thuần phong mỹ tục, văn hóa của một nước Á Đông” - thạc sỹ Nguyễn Văn Luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ.
(Tên người liên quan trong bài đã thay đổi)