Thủ tướng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 8/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 64 huyện nghèo nhất, khó khăn nhất của cả nước.
Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đã chủ trì 2 hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững và về xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, việc triển khai Nghị quyết 30a là rất quan trọng và Thủ tướng đã chỉ đạo phải có hội nghị toàn quốc chuyên đề về vấn đề này.
Dành gần như cả buổi sáng để nghe các địa phương trực tiếp phản ánh tình hình vừa đưa ra các kiến nghị, có đôi lúc Thủ tướng “hỏi ngược” lại các đại biểu. Khi đầu cầu Hà Giang vừa dứt lời, ông yêu cầu cho biết thêm thông tin về tình hình sử dụng các hồ chứa nước sạch được đầu tư theo chủ trương của Chính phủ ở vùng đất địa đầu này.
Phía Hà Giang khẳng định các hồ treo đã phát huy tác dụng rất lớn. “Có 2 cái cần nhất cho cho đồng bào là đất và nước. Nhưng nếu đất không thể có thêm, thì nước có thể khắc phục được. Trước đây, nhiều hộ đồng bào vùng cao nguyên đá phải dành đến 2 nhân lực đi lấy nước. Vì ở nhiều nơi như Mã Pí Lèng, nước chỉ nhỏ giọt, hứng cả ngày mới được một can. Nhu cầu nước rất lớn, rất mong Chính phủ tiếp tục quan tâm, vì chủ trương này được người dân ủng hộ rất cao”.
Câu hỏi của Thủ tướng về hồ chứa cho thấy ông hết sức quan tâm đến sự sâu sát, nắm vững tình hình thực tế của lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành trước “cuộc chiến” xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm chính là nhiệm vụ đầu tiên mà ông nhắc tới khi kết luận về phương hướng, giải pháp thời gian tới.
Bởi sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a, thực trạng đói nghèo vẫn chưa thể khiến chúng ta hài lòng dù kết quả đạt được là vô cùng lớn. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) tại 64 huyện nghèo đã giảm từ gần 378 nghìn hộ cuối năm 2010 xuống còn gần 235 nghìn hộ cuối năm 2014. Tính ra, qua 4 năm, gần 150 nghìn hộ dân đã thoát nghèo, so với tổng số khoảng 700 nghìn hộ tại 64 huyện thì đây rõ ràng là một con số hết sức ý nghĩa.
Thế nhưng, một con số khác trong báo cáo cũng được Thủ tướng ưu tư nhắc đến: Tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo vẫn còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Con số này theo Thủ tướng là “quá lớn” và “rất xót ruột”.
Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm khi vẫn có nơi lãnh đạo tỉnh không nắm được số liệu về hộ nghèo. “Số liệu hộ nghèo Thủ tướng còn phải nắm được cụ thể, lãnh đạo tỉnh không nhớ thì không được. Cũng như trong gia đình phải biết ai nghèo nhất, nghèo do cái gì. Không nắm được tình hình thì làm sao mà xây dựng chính sách cho phù hợp?”, Thủ tướng nói.
“Chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, một trong những nội dung quyết định đó là đời sống của người dân. Muốn xã hội ổn định, đất nước phát triển thì tỷ lệ hộ nghèo phải giảm; phải bảo đảm được an sinh xã hội, phải bảo đảm được chỉ tiêu về giảm nghèo. Lo cho dân là phải lo mọi thứ, nhưng trước hết là phải lo về đời sống”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi vào giải pháp cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc tới đầu tiên và đặc biệt lưu ý việc bổ sung chính sách liên quan đến giao khoán, bảo vệ rừng, chính sách khuyến khích trồng rừng đi liền với việc sắp xếp lại các nông, lâm trường. Ông yêu cầu ngay trong tháng tới, phải rà soát, lên phương án sắp xếp từng nông, lâm trường, không nói chung chung theo định hướng hay nguyên tắc. “Cái nào còn giữ, theo mô hình doanh nghiệp hay ban quản lý rừng, phải cụ thể, còn lại giao cho dân làm”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đây là nhiệm vụ đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc tới nhiều lần. Ông cho rằng đây là chính sách “trúng nhiều đích”, vừa tái cơ cấu các nông, lâm trường, vừa thiết thực xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững, vừa bảo vệ và phát triển được rừng. Theo ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, định hướng này hết sức cần thiết và phù hợp với quan điểm “đồng bào cần nhất đất và nước” như đại diện Hà Giang đã phát biểu.
Thực tế, Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai quyết liệt trong suốt 6 năm qua đã không chỉ đóng vai trò như một chương trình giảm nghèo. Hàng loạt chính sách đồng bộ về hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển sản xuất… đã giúp tăng nguồn lực để phát triển cho cả vùng, cả cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện, từ đó xóa đói, giảm nghèo.
Có thể nói, đây thực sự là một cuộc cải biến toàn diện, đồng bộ đời sống kinh tế xã hội những vùng đất khó khăn nhất của cả nước. Việc tiếp tục thực hiện chương trình này là hết sức cần thiết để những vùng đất này có thể thay da đổi thịt, chuyển mình mạnh mẽ hơn. Nhưng để làm được điều này, rõ ràng trước hết các bộ, ngành, địa phương phải thấm thuần yêu cầu về tinh thần trách nhiệm “lo cho dân” như phát biểu của Thủ tướng.