Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khi từ ngữ có chân: Quan điểm nào cho báo chí?

Ngày 19/4, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức họp báo với tiêu đề: “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới - Khi từ ngữ có chân: Quan điểm nào cho báo chí?”

Va

Sự kiện được tổ chức nhằm góp phần đưa ra những quan điểm về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và giúp những người làm báo có cái nhìn tổng quan về bạo lực giới.

Hội thảo tập trung vào việc nhận diện bạo lực tình dục và chia sẻ cách viết về bạo lực tình dục từ 3 cách tiếp cận chính là: tiếp cận từ văn hóa, tiếp cận từ đạo đức và tiếp cận dựa trên quyền.

Theo tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), trên thế giới hiện nay có đến 35% phụ nữ đã từng chịu đừng bạo lực về thể xác hoặc tình dục. Ngoài ra, 82% các vụ tấn công tình dục lại được thực hiện bởi những người mà nạn nhân có quen biết. Đây thực sự là một con số đáng báo động cho cả cộng đồng.

Không những thế, bạo lực tình dục còn gây ra rất nhiều hậu quả và hệ lụy: Các vụ bạo lực phụ nữ đã khiến tổng sản phầm quốc nội (GDP) năm 2018 thiệt hại đến 1,81%. Hơn nữa, kể từ năm 2010 đến nay, phụ nữ gần như chỉ tìm kiếm trợ giúp khi không thể chịu đựng hơn nữa.

Tiến sỹ Hoàng Tú Anh - thành viên Hội đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết những quyền cơ bản của người bị bạo lực, trong đó có những quyền chính như sau:

• Được đối xử tôn trọng và được coi là một người có phẩm giá chứ không phải đổ lỗi.

• Được coi là một cá nhân duy nhất, có các trải nghiệm riêng, hoàn cảnh riêng, nhu cầu riêng chứ không coi nhẹ, đánh đồng.

• Được hỗ trợ nguồn lực để đối mặt/ứng phó bạo lực chứ không phải để cảm thấy bất lực.

• Được đảm bảo tính riêng tư và giữ kín thông tin thay cho việc bị phơi bày thông tin, bị tọc mạch.

• Không bị phân biệt đối xử thay cho việc bị phân biệt đối xử trên cơ sở giới, tuổi, dân tộc, năng lực, xu hướng tính dục và bản dạng giới, tình trạng nhiễm HIV hay bất kì đặc điểm nào khác.

• Được tự ra quyết định trên cơ sở nhận đầy đủ thông tin thay cho việc được bảo phải làm gì.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) đã có những chia sẻ rất thực tế trong các khía cạnh của bạo lực giới giới và bạo lực tình dục nói riêng. Bên cạnh đó, bà Vân Anh khuyến khích các mẫu hình văn hóa thể hiện bình đẳng giới phù hợp với sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

Theo nhà báo Hoàng Minh Trí (Báo Công an nhân dân), “sức mạnh của báo chí là sự lên tiếng”. Tuy nhiên, để sử dụng sức mạnh của mình các phóng viên, nhà báo luôn phải uyển chuyển trong sử dụng ngôn từ và trau dồi các kĩ năng nghề báo. Từ đó, những câu chuyện mới có thể chạm đến trái tim người đọc và nhận được sự đồng cảm của cả xã hội. Ngoài ra, các thắc mắc về kĩ năng làm việc được nhà báo Minh Trí cũng giải đáp cặn kẽ giúp cho việc viết và tiếp cận những trường hợp bạo lực giới theo hướng phù hợp hơn.