Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kho báu của người Chăm

Thư tịch cổ của người Chăm được viết chủ yếu trên lá buông, giấy quyển, giấy dó... đó là nơi ẩn chứa, ghi nhận những tinh túy của đời sống và văn hóa, tín ngưỡng người Chăm từ xa xưa đến nay. Qua biến đổi của thời gian, nhiều thư tịch giá trị hư hỏng, mất mát. Xót lòng, nhiều người đã dốc cạn sức lực để bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp vô giá ấy.

Dốc sức bảo tồn

Người Chăm chủ yếu sinh sống dọc dải đất miền Trung. Từ xa xưa, tất cả các phong tục, các nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng…hiện hữu trong cuộc sống, lao động, sản xuất đều được những người có chức sắc trong các làng người Chăm ghi chép cẩn thận, chi tiết trên lá buông, giấy dó, giấy quyển. Các chất liệu này do không được bảo quản tốt, không có sức bền nên ngày càng mục nát. Trước nguy cơ ấy, tỉnh Ninh Thuận (nơi có nhiều làng người Chăm) đã thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, để sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này trong quá trình xúc tiếp, giao thoa với nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc khác ở Việt Nam. 

Các thư tịch cổ người Chăm được sưu tầm, bảo quản.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm bộc bạch: “Văn hóa Chăm, một số nét đẹp trong cộng đồng người Chăm rất cuốn hút. Càng nghiên cứu càng thấy nhiều điều thú vị. Đó là những quy chuẩn văn hóa, những quy ước đẹp trong cuộc sống. Có đến hơn 200 phong tục, lễ hội….người Chăm được lưu lại trong thư tịch. Từ mấy chục năm trước tôi đã nhìn thấy những nét đẹp ấy. Rồi đến khi về làm ở trung tâm nghiên cứu này, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhân lực ít nhưng không quản ngày đêm chúng tôi miệt mài đi khắp các làng Chăm để hướng dẫn cách bảo quản, để sưu tầm lại. Bởi, người Chăm chủ yếu bảo quản thủ công bằng cách treo lên gác bếp, phơi nắng... nên “sức khỏe” của các thư tịch giảm sút nghiêm trọng. Nếu mất đi cuốn thư tịch nào nghĩa là mất thêm một kho tàng quý giá. Thế nên càng cấp thiết phải bảo tồn, biên dịch các thư tịch này ra chữ quốc ngữ”.

Chính vì niềm đam mê các nét đẹp, sự phong phú, sống động của đời sống người Chăm qua thư tịch cổ, nên từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm đã tiến hành điền dã, khảo sát, nghiên cứu nhiều chuyên đề về văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan với người Chăm gồm: Trên 20 đề tài khoa học, trên 70 chuyên khảo, đã công bố 7 công trình của cá nhân và tập thể xuất bản thành sách, hàng trăm bài viết trên các tạp chí khoa học; tiến hành sưu tầm, phục chế hàng trăm cuốn thư tịch cổ. Trong đó thư tịch gốc gồm 53 cuốn được viết trên giấy quyến, lá buông. Trung tâm còn liên kết phối hợp với Trung tâm lưa trữ Quốc gia II TP.Hồ Chí Minh (thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước) thực hiện xử lí, bồi nền và số hóa 52 cuốn thư tịch, với tổng số 12.334 trang cùng với một số tư liệu khác như 500 ảnh tư liệu quý, 92 cuộn phim tư liệu thư tịch cổ.

Những “từ điển sống”

Qua nhiều năm nghiên cứu văn hóa Chăm, thư tịch Chăm, bà Nguyễn Thị Thu quả quyết: “Kho tàng thư tịch này là tài liệu cực kỳ quí hiếm. Bởi, ngày nay những người Chăm lớn tuổi còn đọc và dịch được các thư tịch này sang chữ quốc ngữ rất hiếm. Những cuốn từ điển sống đồ sộ nhất đó là ông Quảng Văn Đại, ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), còn ở Phú Hài (Phan Thiết, Bình Thuận) có ông Đạo Hùng Tiến cũng mê mẩn gìn giữ và dịch các thư tịch cổ người Chăm. Tuy nhiên, ông Tiến giãi bày: Đã ngoài 90, mắt kém quá rồi. Không còn sức làm việc được mấy nữa nên tất cả người Chăm chỉ còn nhờ vào ông Quảng Văn Đại dịch là chính thôi. Vài người có nhiệt huyết với thư tịch cổ ở Ninh Thuận trước khi qua đời cũng đã trao đổi lại nhiều kinh nghiệm quý cho ông Đại”.

Bà Nguyễn Thị Thu: Nét đẹp trong thư tịch Chăm rất sống động, phong phú.

Ngoài 80 tuổi, nhưng 50 năm qua, không kể ngày đêm, ông Quảng Văn Đại miệt mài đi khắp dải đất miền Trung sưu tầm thư tịch. Có nhiều đợt, ròng rã mấy tháng trời ông Đại rời nhà đi ghi chép, nghiên cứu, sưu tầm, dịch ra chữ quốc ngữ. Ánh mắt ẩn chứa mênh mông khát vọng, ông tâm sự: “Cũng may được gia tộc, vợ con ủng hộ tuyệt đối tôi làm việc này. Có những đêm mải mê dịch, kiệt sức gục xuống ngủ cả trên bàn. Bây giờ được người ta cho cái bàn cũ, cái máy tính cũ nên dịch đến đâu, đánh máy ra đến đó. Người Chăm dịch được các thư tịch này ra chữ quốc ngữ hầu như chẳng còn ai”. Dịch xong ông Đại hệ thống thành những cuốn bản thảo đồ sộ hàng ngàn trang in, từng phần riêng biệt như: Văn hóa, lễ lạt, cúng tế, tín ngưỡng...

Như chạy đua với thời gian, ông Đại dựng luôn một gian phòng nhỏ bằng tôn và ăn ngủ luôn tại đó để dịch các tài liệu và thư tịch Chăm. Ông cho biết: “Nhiều nét đẹp người Chăm rất tương đồng với các dân tộc khác của người Việt, như nghi lễ; Mbai padaong (nghi lễ cúng gia tiên), Ew Nisei bilan (nghi lễ cúng các vị thổ địa)... Nhiều nghi lễ, phong tục mang đậm nét đẹp người Chăm như: Lễ Ew praok (lễ cúng các vị thần được người Chăm yêu quý), Mbai paraong kaok thun (lễ cầu an, cầu phúc), nghi lễ Yuer yang (nghi lễ trọng đại, quy mô xin mở cửa các tháp cổ cho mọi người vào tham quan) …Với ông Đại cũng như nhiều người nghiên cứu Chăm khác thư tịch cổ cũng như có linh hồn, đó là biểu tượng cao đẹp, linh thiêng và đầy tính bác học.

Ước vọng khôn nguôi

Tự túc tất cả mọi thứ, sau nửa thế kỷ nghiên cứu, dịch thư tịch, ông Quảng Văn Đại ước mong các nhà xuất bản sẽ xuất bản. Ông cho biết: “Hiện nhà xuất bản dân tộc cũng đã nhận xuất bản vài cuốn về nét đẹp người Chăm, tín ngưỡng người Chăm do tôi biên soạn, dịch từ thư tịch cổ sang tiếng Việt. Nhưng còn rất nhiều bản thảo quý khác. Nếu tôi có mất đi thì các tài liệu này cũng xin được hiến vào các trung tâm bảo tồn, nghiên cứu thôi”. Để nhiều tư liệu quý được dịch và phân tích đầy đủ, dưới sự giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, ông Đại gửi 45 quyển thư tịch cổ Chăm, gồm 2.424 trang cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II bồi nền, số hóa, phục chế. Sau khi hoàn tất, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm giữ lại một bản sao, giao bản chính đã phục chế cho ông Đại.

Ông Quảng Văn Đại bên các bản thảo biên dịch, phân tích thư tịch cổ người Chăm sang tiếng Việt dày hàng ngàn trang của mình.

Không chỉ ông Đại mà những người làm công tác quản lý, bảo tồn như bà Nguyễn Thị Thu cũng cháy bỏng ước vọng, từ những nét đẹp trong thư tịch cổ này sẽ làm phong phú, sống động, đa dạng nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bà Thu chia sẻ: “Việc giải mã các biểu trưng văn hóa, nét đẹp đời sống trong thư tịch cổ đi đến mục tiêu quan trọng là bảo tồn đúng cách, nguyên vẹn những giá trị văn hóa gốc cũng như định hướng phát huy những giá trị tích cực, giảm thiểu những yếu tố rườm rà, phức tạp, lai căng, lãng phí. Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm sẽ tiếp tục kiểm kê thư tịch cổ tại các làng Chăm để lên phương án hướng dẫn bảo quản tốt nhất. Những nghi lễ đẹp trong thư tịch cũng sẽ thường xuyên được đưa ra tổ chức tọa đàm. Đây sẽ là hoạt động khoa học thường niên phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa Chăm đạt đến kết quả thiết thực, thực sự gắn với đời sống của người Chăm, trong đó tiếng nói của đội ngũ chức sắc đóng một vai trò quan trọng. Đó cũng là cách làm cho thư tịch có sức sống hơn”.