Hình ảnh hai bé trai ngồi sau xe máy xúc cơm ăn được nhiều người chia sẻ trên mạng. Ảnh: KT
Học đến nỗi không còn thời gian ăn và ngủ
Mấy ngày nay, cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ về hình ảnh hai bé trai ngồi sau xe máy xúc cơm ăn. Hình ảnh này được quay tại TP. Hồ Chí Minh vào lúc 5 giờ chiều. Cuối ngày, giữa phố ồn ào, bụi bặm; sao hai đứa bé mặc đồng phục học sinh lại phải khổ sở xúc cơm ăn vội vã?! Có thể suy ra: Chúng vừa tan học ở trường, bây giờ phải vội vã đến nơi học thêm. Có thể chúng phải học đến khuya nên phải tranh thủ “nạp năng lượng”…
Đây được xem là hình ảnh điển hình về sự vất vả của học sinh Việt Nam thời nay. Sao chúng lại có thể khổ sở về chuyện học hành đến vậy trong khi báo chí kêu gọi giảm tải, nhiều địa phương cấm học thêm?
Thực tế, nhiều trẻ em không phải chỉ học những môn học ở trường, mà chúng còn phải học đàn, học hát, học múa, học võ, học ngoại ngữ… thậm chí là học thêu thùa. Các ông bố, bà mẹ muốn con mình nếu không phải là thần đồng thì cũng là những đứa trẻ “biết tuốt”.
Nếu cứ học “tối mắt, tối mũi”, trẻ không chỉ khổ
Thật ra, bọn trẻ khổ vì chuyện học là do thầy cô giáo và các vị phụ huynh. Giáo viên thì vì thành tích và một chút vật chất. Phụ huynh thì vì sĩ diện và có bằng chứng để khoe con. Có vẻ như khoe con học giỏi, biết nhiều là điều mà nhiều ông bố, bà mẹ thích nhất. Đây là lý do chính để bọn trẻ phải khổ sở vì học hành.
Song, việc trẻ học nhiều không chỉ khiến chúng khổ, mà còn khiến chúng có thể bị bệnh. Học đến mức không còn thời gian vui chơi, giải trí, tập thể dục, chơi thể thao; trẻ em có thể bị bệnh. Trước hết, đó là căn bệnh béo phì đã được báo động ở Việt Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong vòng 7 năm (2002 - 2009), tỉ lệ thừa cân ở cấp Tiểu học đã tăng trên 3 lần. Còn ở Hà Nội, nghiên cứu năm 2011 chỉ ra rằng, 23,4% học sinh thừa cân, 17,3% học sinh bị béo phì.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là đã có một số bệnh nhân bệnh tiểu đường ở độ tuổi 11, 12. Nguyên nhân là các em học quá nhiều, lại gặp gì ăn nấy; ăn những thức ăn như xúc xích, gà nướng, xôi, chả…; uống các loại nước ngọt quá nhiều. Điều này có làm các ông bố, bà mẹ tỉnh ngộ?
Đừng để con em chúng ta chịu khổ, chịu bệnh vì bắt chúng học quá nhiều!
Nghè Nghệ/Tạp chí Gia đình và Trẻ em