Vùng đất nhiều đau thương…
Huyết mạch giao thông nối liền ba huyện, là đường 7 (nay là quốc lộ 25). Đây là con đường duy nhất, cũng là một trong những con đường huyền thoại thời chiến tranh chống Mỹ. Những năm 1972 đến 1974, một số địa điểm chiến lược, trong đó có Cheo Reo (Ayun Pa bây giờ). Nắm bắt được địa thế này, quân địch tìm mọi cách mở hàng loạt trận càn. Bà con cùng nhau lên rừng theo Cách mạng, tuy nhiên, không ít người đã bị địch bắt và dồn vào các ấp chiến lược. Đau thương nối tiếp đau thương.
Đường 7 đầy thương tích xưa, giờ đã được láng nhựa phẳng lỳ.
Nhớ lại những ngày quân địch xâm lấn lên các bản làng của mình, già làng Y B’Nhô kể: "Con đường lịch sử này đã chứng kiến không ít cuộc cướp bóc tàn bạo của địch. Người dân cả 3 huyện chung nỗi đau thương nên sống với nhau như một nhà vậy. Địch vơ vét tài sản của dân, mang về Pleiku đổi sang vàng. Nhiều gia đình bị địch cướp bóc đến mức không còn gì để ăn. Từ trong lầm than, được sự hướng dẫn của cách mạng, hàng ngàn thanh niên ở các buôn làng dọc đường 7 đã đi theo bộ đội. Thời điểm đó, đồn K’Lóa được xem là nơi hội tụ những tên gian ác và tham lam nhất của địch. Bộ đội chủ lực của ta đã phối hợp với du kích địa phương mở trận đánh oanh liệt, tiêu diệt căn cứ này. Chiến thắng đã củng cố niềm tin cho người dân trong vùng kháng chiến, nhiều người mừng vui kéo nhau về lại làng bản, cùng với bộ đội củng cố hậu phương, chuẩn bị trận đánh quyết định vào mùa Xuân năm 1975”.
Theo ký ức của già làng Y B’Nhô và dân bản, sau ngày giải phóng, những địa danh chạy dọc theo đường 7 như: Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) tràn đầy thương tích. Khắp các bản làng còn nham nhở chứng tích bom đạn. Nhiều con đường bị xới tung, những quả đồi trọc trơ, những cánh rừng cháy khô với những cọng cành tua tủa… Một bài toán cấp bách lúc bấy giờ là xóa những thương tích chiến tranh trên các thửa đất mênh mông phủ màu cằn cỗi, nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.
Căng tràn no ấm
Ông Nay Phin ở Chư Ngọc (huyện K’rông Pa) thổn thức nhớ lại những ngày đầy gian khổ cách đây hơn 40 năm: “Khi ấy tôi là một thanh niên, được giác ngộ và đi theo bộ đội đánh giặc. Địch tàn sát bản làng nên khắp cả huyện đều trong tình trạng đói kém, nhà cửa tiêu điều. Con đường 7 chạy xuyên qua huyện liên tục bị địch ném bom, có những thời điểm hình thành các hố sâu hoắm như cái ao vậy...”. Bây giờ thì khác rồi, hình ảnh vùng đất nhiều thương tích như mô tả của già làng Y B’Nhô và ông Nay Phin đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó là một thị tứ sầm uất hiện hữu ở K’rông Pa. Bản báo cáo còn nóng hổi của huyện cho thấy: Nhờ liên tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nên cuộc sống người dân đã được nâng cao rõ rệt. Các tàn tích chiến tranh được hàn gắn, hàng vạn quả bom, mìn đã được dọn sạch. Nếu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện gần 50,43%, đến đầu năm 2016 chỉ còn trên 20%, chủ yếu rơi vào các buôn người dân tộc thiểu số.
Những cánh đồng lúa ở thung lũng Ayun Hạ.
Ông Siu Ré, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện K’rông Pa nói đầy quyết tâm: “Số hộ nghèo trên chẳng lâu nữa sẽ hết thôi. Chúng tôi đang triển khai các chiến dịch “cầm tay chỉ việc”, các cán bộ giảm nghèo sẽ đến tận các buôn có nhiều người nghèo để ăn, ở cùng dân, tiếp sức cho hộ nghèo, người nghèo vươn lên trong cuộc sống”.
Qua huyện K’rông Pa, ngược về huyện Phú Thiện, đang là mùa khô, nhưng những cánh đồng rau xen canh vẫn được người dân nô nức triển khai. Cựu chiến binh Lê Thanh Mẫn - người từng tham gia trận đánh để giải phóng Phú Thiện (1975), cho biết, Phú Thiện xưa không có lấy một nóc nhà kiên cố. Giờ thì nhà ai cũng khang trang. Ở Phú Thiện này, nơi chịu nhiều đau thương nhất, ác liệt nhất, tiếp giáp ngay với đường 7 là thung lũng Ayun Hạ. Nay buôn làng ở đây đã có xe công nông, máy xới đất. Những hộ khá giả, mùa về lúa chất đầy nhà. Các xã vùng sâu như Ayun Hạ, Ia Sol, Ia Peng, Ia Piar, Chrôh Pơnan…cũng chuẩn bị hoàn thành đầy đủ các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Buôn làng sâu nhất giờ cũng đã có điện.
Bên cạnh huyện Phú Thiện là Ayun Pa. Vùng đất hoang hóa giờ đã thành thị xã sầm uất. Theo lãnh đạo UBND thị xã Ayun Pa, trước đây Phú Thiện thuộc huyện Ayun Pa tách ra. Từ ngày tách huyện, cùng với việc phát triển nghề thủ công và công nghiệp, các phường như: Hòa Bình, Đoàn Kết, Cheo Reo còn khuyến khích nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tăng cường ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhờ đó không còn hộ dân trong tình trạng thiếu đói. Thu nhập bình quân đầu người không thua gì ở thành phố.
Hiện thực hóa khát vọng
Bà con ở nhiều buôn làng trải dài theo đường 7 thuộc Ayun Pa, Phú Thiện, hay K’rông Pa luôn niềm tự hào là người trong vùng căn cứ cách mạng, thế nên người dân càng quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Góp phần hiện thực hóa giấc mơ của bà con là công trình thủy lợi Ayun Hạ, cung cấp nguồn nước tưới cho những cánh đồng xanh tươi của hai huyện Phú Thiện và Ayun Pa. Theo thiết kế, công trình đủ nước tưới quanh năm cho 13.500 ha đất canh tác, phần nhiều từ 1 vụ biến thành 2 vụ lúa. Người dân nơi đây ví công trình thủy lợi Ayun Hạ như bầu sữa khổng lồ, giúp bà con sản sinh ra hàng ngàn tấn ngọc (gạo trắng). Từ khi cuộc sống người dân no đủ thì nạn chặt cây, phá rừng ở địa phương không còn nữa.
Ngoài cây lúa, các loại hoa màu bạt ngàn xanh tốt.
Gặp chúng tôi nhiều người dân ở dọc đường 7 ghi nhận, đồng bào Tây Nguyên giờ đã biết cách làm ăn. Nhà nước hướng dẫn gì là bà con nhiệt liệt hưởng ứng làm theo. Thế rồi, từ những quyết sách đúng, cùng với cây chủ lực là lúa nước, thì những trang trại chăn nuôi bò, heo mọc lên, xen vào đó là những ruộng rau xanh. Cứ thế, chẳng mấy chốc cuộc sống đã khá lên. Có được thành tựu này là sự kết hợp từ các chính sách của Nhà nước, của địa phương, và quan trọng là từng người dân đã biết hiện thực hóa khát vọng của mình bằng cách chăm chỉ làm việc, biết chọn lựa mô hình, cách làm hay phù hợp với điều kiện của gia đình.
Anh Trần Phao, ở xã Cheo Reo (huyện Ayun Pa) cho biết, không chỉ trồng lúa, hay chăn nuôi đơn thuần, mà hầu hết người dân ở dọc đường 7 đều biết trồng lúa năng suất cao, chăn nuôi theo mô hình trang trại. Đặc biệt, trước khi áp dụng mô hình nào đó, bà con đều tìm hiểu kỹ thông tin và xin ý kiến tư vấn từ cán bộ khyến nông nhằm tránh rủi ro. Trước kia Cheo Reo đi vào ký ức nhiều người vì gắn với chiến tranh, giờ đây là gắn với công cuộc đột phá làm giàu. Dọc đường 7 này buôn làng nào cũng thi đua làm ăn kinh tế.
Khi cuộc sống ổn định, một điểm đáng quý của những người dân nơi đây là việc giữ gìn, phát huy với các lễ hội văn hóa truyền thống. Các dịp lễ, tết mỗi gia đình đều chuẩn bị một tiết mục văn hóa truyền thống để trình diễn với buôn làng, như một sự ghi nhớ nguồn cội, ghi nhớ những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước.