Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, lãng phí

Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công- pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai thì còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản công năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn tài sản công.

Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả tài sản công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công bởi Luật chưa bao quát hết hành vi. Chẳng hạn như Luật chưa quy định hình thức mua lại tài sản thành tài sản công, như các trạm BOT do thay đổi quy hoạch nên trạm đó không sử dụng được nữa, vậy đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý và nên đặt vấn đề Nhà nước mua lại một số nhà đầu tư tư nhân. Bộ trường Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Hình thức mua lại tài sản công hiện chưa có”.

Cũng như các Nghị định Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng sửa về hướng dẫn tài sản công. Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi liên doanh, liên kết, thuê tài sản công sẽ được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua, nhiều xã sẽ được chia tách, sáp nhập. Tuy nhiên, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp căn cơ cho vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc trách nhiệm, quyền quản lý của UBND các địa phương. Tài sản công thuộc cấp Trung ương do bộ, ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công của các bộ, ngành.

Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công; còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu; hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công thì cũng khó để tìm được cơ quan định giá. Bên cạnh đó, trong điều kiện trầm lắng, cũng khó bán được những tài sản công này.

Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác để tổ chức định giá thì những trụ sở này được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất và phải điều chỉnh lại quy hoạch, phải làm một loạt thủ tục khác gây khó trong vấn đề này.

“Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả”, ông Phớc thông tin.