Theo thông tin từ Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), sau sự cố xảy ra liên quan đến việc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong, Viện đã tiếp nhận và xét nghiệm miễn phí các mẫu nước chạy thận nhân tạo cho 41 bệnh viện của 25 tỉnh, thành phố có khoa/đơn nguyên thận nhân tạo.
Theo phó giáo sư Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, các mẫu nước do các bệnh viện gửi xét nghiệm gồm nước đầu nguồn (trước khi lọc thô; nước RO (nước trực tiếp cho chạy thận nhân tạo) và nước sau rửa quả lọc dùng trong chạy thận nhân tạo.
Với các mẫu nước đầu nguồn, kết quả xét nghiệm phát hiện có 22/31 mẫu (chiếm 70% mẫu) không đạt các tiêu chuẩn; trong đó 2 bệnh viện không đạt độ pH, 2 bệnh viện không đạt chuẩn độ đục và 7 bệnh viện không đạt chỉ số Pecmanganat. Ngoài ra, có đến 17/40 (chiếm 42%) mẫu nước của các bệnh viện không đạt chuẩn về Coliform và 3/40 mẫu không đạt về tiêu chuẩn Ecoli (chiếm 7,5%). Kết quả xét nghiệm mẫu nước RO đã phát hiện có tới 60% mẫu nước (chiếm 24/40 mẫu) có nồng độ Endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) cao hơn ngưỡng cho phép. Kết quả trên cho thấy, nồng độ vi khuẩn trong nước nguồn rất cao nên sau khi xử lý, vi khuẩn chết gây “ô nhiễm” nội độc tố trong nước RO.
Mẫu nước dùng để chạy thận nhân tạo đòi hỏi các yêu cầu rất khắt khe
Các chuyên gia lưu ý, tùy với cơ địa mỗi bệnh nhân, nồng độ nội độc tố cao hơn ngưỡng cho phép có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân: giảm huyết áp, buồn nôn, nôn, sốt, thậm chí tử vong. Đối với nước rửa quả lọc có 1 mẫu phát hiện tồn dư chất diệt khuẩn.
Các quả xét nghiệm trên đã được Viện thông báo cho giám đốc các bệnh viện để có phương án khắc phục sớm nhất bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn cho người bệnh. Bên cạnh đó, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường sẽ thực hiện tư vấn, tập huấn cho các bệnh viện trên khắc phục để nâng cao chất lượng nước tại các đơn vị thận nhân tạo.