Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khởi sắc diện mạo nông thôn

 
Mô hình trồng rau quả công nghệ cao ở huyện Ứng Hòa đang phát huy hiệu quả kinh tế.
                        
Đi lên từ một huyện khó khăn
 
Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) vốn thuộc top các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của TP. Hà Nội với 2.335/56.715 hộ nghèo. Lý giải về tình trạng này, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Ứng Hòa - Phạm Thúy Hòa cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu lao động, gia đình có người già yếu, ốm đau, bị tai nạn... Mặt khác, theo quy hoạch chung của thành phố thì Ứng Hòa là vành đai xanh của Thủ đô nên sự phát triển của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp rất hạn chế, người lao động ít có cơ hội kiếm được việc làm và thu nhập ổn định.
 
Đáng nói trong tổng số 2.335 hộ nghèo, số hộ thuộc diện “nghèo vĩnh viễn” hay nói cách khác là không có khả năng thoát nghèo chiếm tới 4% vì bệnh tật, già, neo đơn hoặc không có người lao động. Bên cạnh đó, vẫn có một số hộ có tâm lý mong được xếp vào hộ nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi. Do đó, khi điều tra, khảo sát, không ít hộ kê khai thu nhập thấp hơn thực tế. Điều này làm cho công tác giảm nghèo càng thêm khó khăn.
 
Là huyện thuần nông nên ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, Ứng Hòa đã xác định rõ vai trò quan trọng của việc biến những khó khăn của vùng chiêm trũng thành lợi thế. Theo đó, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Nhờ tích cực chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha. Đồng thời, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; sản xuất đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm; trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu...
 
Huyện Ứng Hòa đã rà soát, phân loại hộ nghèo theo nhóm cụ thể như: Hộ nghèo nhiều năm liền, hộ nghèo có khả năng thoát nghèo, hộ nghèo tạm thời do rủi ro để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo đó, huyện chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ. Cùng với đó, huyện tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo. Đồng thời, vận động các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn nhận lao động nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định.

 
Nghề làm bún ở xã Liên Bạt giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định. 
 
Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu
 
Nhờ sản xuất ổn định, thu nhập của nông dân cũng được nâng lên đáng kể. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 37,1 triệu đồng/người/năm. Để đạt được mục tiêu năm 2020, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đề cao vai trò nòng cốt của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng mô hình hội viên làm ăn khá, giỏi tham gia giúp đỡ các hội viên nghèo. Đối với các xã, thị trấn quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn lực giảm nghèo, gắn công tác giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
 
Để các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản, Ứng Hòa ưu tiên tập trung mọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư về nhà ở, nước sạch, vệ sinh, dịch vụ y tế. Lồng ghép các chính sách giảm nghèo đặc thù với chương trình xây dựng nông thôn mới và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tới thăm mô hình nuôi trồng thủy sản “Sông trong ao” của hộ gia đình ông Đinh Quang Lĩnh (thôn An thái, xã Trầm Lộng) và mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại hộ gia đình ông Bùi Văn Chung (xã Hồng Quang). Với mức đầu tư lớn, 2 mô hình đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi như hệ thống cho cá ăn tự động, thiết kế tạo dòng chảy trong ao, hệ thống tưới nước nhỏ giọt và điều chỉnh lượng phân bón tới từng gốc dưa… giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Để kinh tế trang trại, kinh tế vườn thực sự phát huy được hiệu quả, theo kế hoạch,  huyện Ứng Hòa sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, phát triển hệ thống trang trại đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong thời gian tới, xây dựng thương hiệu rau quả sạch, cá sạch, an toàn sinh học, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định để khuyến khích nhân rộng mô hình mới.
 
Khu trồng rau an toàn tại thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Từ mô hình thí điểm 5ha năm 2016 đến nay, diện tích đã được mở rộng lên 27ha và được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Mô hình đang phát huy hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường 40 triệu đồng/ha. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng - Nguyễn Xuân Nghĩa cho hay, được huyện hỗ trợ 70% kinh phí, Hợp tác xã đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính 5.000m2, với số vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng. Hiện, sản phẩm dưa chuột Israel, dưa lưới F1 Kim hoàng hậu và các loại rau, củ khác của mô hình đang được Hợp tác xã Nông sản An Việt thu mua với giá cả ổn định.
 
Lãnh đạo huyện Ứng Hòa cho biết, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân, tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mơi, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Mở rộng các vùng sản xuất lúa tập trung, từng bước hình thành những cánh đồng mẫu lớn, phấn đấu đưa tỷ lệ giống lúa chất lượng cao đạt khoảng 40%/vụ. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và chuỗi liên kết thủy sản… Huyện cũng tăng cường xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Sơn Thành/TC GĐ&TE