Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Khởi sắc ở vùng căn cứ cách mạng H9

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ cách mạng H9 (nay thuộc huyện Krông Bông, Đắk Lắk) giữ một vai trò quan trọng trong chiến dịch giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột (10/3/1975). Với tinh thần đoàn kết một lòng, quân và dân đã kiên cường chiến đấu, giải phóng huyện H9. Đất nước hòa bình, chính quyền và nhân dân huyện Krông Bông không ngừng nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng.

H9 - vùng đất anh hùng

Nằm phía Đông của tỉnh Đắk Lắk, H9 có vị trí địa lý chiến lược quan trọng về nhiều mặt, vì thế Mỹ - ngụy đã cho xây dựng và bố trí một hệ thống đồn bốt dày đặc nhằm dễ dàng thực hiện những đợt càn quét và cai trị. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và mặt trận B5, quân và dân H9 đã từng bước xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân.

Giữa những năm 1960, sau thắng lợi của quân chủ lực đánh vào buôn Khanh và quận Lạc Thiện, địch bị thất bại và hoang mang. Chớp thời cơ, dưới sự hướng dẫn của cơ sở cách mạng, quần chúng đã đồng loạt nổi dậy, giải phóng 5 xã phía đông của huyện với hơn 4.000 dân. Tuyên bố giải tán bộ máy Nguỵ quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng.

Tháng 2/1965, quân và dân H9 đã đánh bại trận càn lớn của Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 Nguỵ tại Khuê Ngọc Điền, tiêu diệt 1 đại đội địch. Phát huy khí thế sôi sục trước thắng lợi, nhân dân khắp nơi trong huyện nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 19/5/1965, H9 hoàn toàn được giải phóng.

Khởi sắc ở vùng căn cứ cách mạng H9 - Ảnh 1.

Trung tâm huyện Krông Bông.

Trong ký ức cụ Lâm Sanh Lại (SN 1943, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) vẫn nhớ như in những ngày chiến tranh đầy cam go, khốc liệt. Cụ kể: "Tôi quê ở Quảng Nam, năm 1957 bị bắt di dân vào huyện H9, những ngày tháng sống trong sự quản lý sát sao của quân ngụy quyền vô cùng cực khổ. Đầu những năm 1960 khi đã kết nối được với chính quyền cách mạng, người dân xã Khuê Ngọc Điền bắt đầu xây dựng lực lượng sẵn sàng chờ thời cơ nổi dậy".

Mục đích của địch di dân vào vùng H9 là để dễ bề cai trị. Tuy nhiên, chúng không thể ngờ tới nơi đây lại trở thành cái nôi của cách mạng. Sau khi xây dựng lực lượng lớn mạnh, quân và dân tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ khiến quân địch hoang mang lo sợ. Tiếp thời gian sau đó, khi biết lực lượng cách mạng H9 ngày càng lớn mạnh, quân địch đã liên tục tổ chức các trận càn quét, dùng máy bay dội những trận mưa bom xuống huyện H9. "Chúng ngày đêm dùng máy bay điên cuồng dội bom. Để tránh tổn thất lực lượng chúng tôi đã di tản vào khu vực hang đá Khuê Ngọc Điền ẩn nấp. Mặc dù dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, quân và dân không hề nao núng, vẫn một lòng trung kiên với tổ chức, với Đảng. Riêng xã Khuê Ngọc Điền là đơn vị xuất sắc khi bắn hạ được 6 máy bay địch", cụ Lại kể.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong mỗi câu chuyện kể về những cuộc chiến khốc liệt, về sự hy sinh xương máu của đồng bào cụ Lai vẫn như nghẹn giọng. Những kí ức ấy như cào xé tâm can người lính "trở về từ cõi chết". "Biết bao đồng đội, đồng bào đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương, mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Giờ quê hương đất nước đã ca khúc khải hoàn, tôi vô cùng sung sướng khi được ngắm nhìn sự đổi thay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của vùng đất Krông Bông nghèo khó".

Khởi sắc ở vùng căn cứ cách mạng H9 - Ảnh 2.

Đường nông thôn phong quang sạch đẹp.

Đất nước được hòa bình, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã không ngừng phấn đấu nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội. Krông Bông hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi được đầu tư kiên cố.

Giai đoạn 2011 - 2019, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã huy động được hơn 1.186 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí. Đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 toàn huyện ước đạt 28,6 triệu đồng/người/năm. Hệ thống chính trị được hoàn thiện và củng cố từ huyện đến thôn, buôn.

Ông Hồ Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền cho biết, xã được hình thành năm 1959, bởi chính sách di dân của Ngô Đình Diệm, đưa người dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào sinh sống. Sau khi kết nối được Chính quyền, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, người dân đã bỏ trốn vào rừng để hoạt động cách mạng, xây dựng căn cứ. Năm 1965 xã Khuê Ngọc Điền được giải phóng. "Cuộc sống người dân đã không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên 27 triệu đồng/năm. Hệ thống giao thông, điện, đường, trường học, cơ sở y tế đã được xây dựng đồng bộ nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân. Tính đến nay (năm 2021) xã đã đạt được 14/19 chỉ tiêu nông thôn mới. Mục tiêu năm 2023 xã Khuê Ngọc Điền sẽ về đích nông thôn mới".

Khởi sắc ở vùng căn cứ cách mạng H9 - Ảnh 3.

Cụ Lâm Sanh Lại kể chuyện đánh địch năm xưa.

Bà Trần Thị Quyên, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện toàn xã có 78 đối tượng chính sách, trong đó bệnh binh 1 người, 18 thương binh, 8 người có công với cách mạng, chất độc hóa học 2 người… "Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, Đảng ủy, chính quyền đã tổ chức các phong trào gây quỹ đền ơn đáp nghĩa, thường xuyên thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách có công với cách mạng vào dịp lễ, tết".

Nói về công tác chăm sóc, hỗ trợ người có công, bà Đinh Trần Bích Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho biết: Toàn huyện Krông Bông đang thực hiện chi trả thường xuyên hàng tháng cho 560 đối tượng người có công, với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. "Với số lượng đối tượng chính sách nhiều, hằng năm Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Phòng LĐ-TB&XH tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng, gia đình chính sách, không để các đối tượng chính sách gặp khó khăn trong đời sống, giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách liên quan.

Khởi sắc ở vùng căn cứ cách mạng H9 - Ảnh 4.

Bà Đinh Trần Bích Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Bông trao đổi với PV.

Năm 2020, thực hiện kế hoạch xoá nghèo cho các đối tượng có công, quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện, xã cùng kinh phí của tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ sinh kế giúp cho 13 gia đình người có công vươn lên thoát nghèo với số tiền 337 triệu đồng".

Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững cho các vùng có kinh tế khó khăn đã được phát huy triệt để. Hệ thống điện lưới quốc gia, các con đường bê tông nông thôn, trường học, trạm sá đã được đầu tư xây dựng làm thay đổi bộ mặt xã hội những vùng khó khăn.

"80% người dân trong huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các vùng khác. Vì vậy để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân chúng tôi đang kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất. Quy hoạch và đầu tư đồng bộ các điểm định canh, định cư tạo điều kiện cho các hộ dân di cư tự do, du canh, du cư ổn định làm ăn. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc...", bà Nga cho biết thêm.