Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không ai bị lãng quên...

(Dân sinh) - Tối 19/11, ngày Rằm tháng 10 âm lịch (tức ngày 19/11 dương lịch), cả nước lắng lòng để hướng về những người dân đã không may qua đời, tới những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đã hy sinh do đại dịch Covid-19. Sự kiện vô cùng xúc động và ý nghĩa này do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Cũng trong khoảng thời gian này, hoạt động tưởng niệm đã diễn ra ở nhiều địa điểm khác.

  "Hôm nay, người may mắn ở lại, cầu nguyện, hướng về các chư vị anh linh, hương linh, những người không may qua đời; cũng như nhớ ơn sự hy sinh thầm lặng của cán bộ tuyến đầu lực lượng chống dịch đã vĩnh viễn ra đi. Những người ở lại, hướng về nhau, có thêm niềm tin vượt qua đau thương, mất mát", đại đức Thích Thiện Châu, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quận 3 nói tại lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh vì dịch Covid-19 tổ chức sáng 19/11 tại chùa Minh Đạo, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

  Đại đức Thích Thiện Châu cho hay: "Việt Nam đã có hơn 23.000 đồng bào tử vong vì Covid-19. Họ là những người rất khác nhau, có người già yếu, neo đơn, có người còn trẻ tuổi, sung sức; có cả cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Sự ra đi đó không gì có thể bù đắp cho người ở lại. Sự mất mát này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự thật, hơi thở dài ngắn của một đời người".

thumbnail-khong-ai-bi-lang-quen-7789

  Theo Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/10, tại TP. Hồ Chí Minh có 2.151 trẻ em mồ côi cha, mẹ vì Covid-19 và gần 400 người cao tuổi sống neo đơn do mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng, lâm vào hoàn cảnh khó khăn... Đây chính là hệ lụy đau lòng do dịch Covid-19 gây ra.

  Đại dịch đã cướp đi quá nhiều thứ, gây bao nỗi mất mát, đau thương. Tưởng nhớ những người ra đi là hành động mang tính nhân văn cao cả. Đó cũng là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh, để mỗi người may mắn được sống hôm nay ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.

  Qua những ngày đau thương, chúng ta không thể nào quên những gia đình người thân, bạn bè quanh mình lần lượt ra đi. Với những người trong cuộc có lẽ không còn chỗ để đau thêm. Ai đã trải qua cơn thập tử nhất sinh, từng có người thân mất đi vì Covid-19 mới thấm thía được hết nỗi đau, khó có thể xóa nhòa. Chúng ta còn được sống, còn có gia đình, cha mẹ, con cái xung quanh. Điều đó có gì hạnh phúc bằng!

  Là người trực tiếp chứng kiến nhiều sự ra đi trong lặng lẽ, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ (Bệnh viện dã chiến số 1 điều trị Covid-19 TP. Thủ Đức) nhắn nhủ: "Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài. Tôi mong mỗi người dân nhìn từ hậu quả khốc liệt vừa qua để ý thức tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Còn chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc của mình, cứu sống được càng nhiều bệnh nhân càng tốt".

  Lễ tưởng niệm như một dịp để mọi người lắng lòng, xoa dịu những nỗi đau mất mát. Và đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết quý trọng cuộc sống an lành hiện tại, sống có ích hơn trong tương lai, là dịp để những người còn sống cảm thấy bản thân mình thực sự may mắn... Đồng thời, động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

  Chúng ta dành phút tĩnh tâm này để tiếp tục vượt lên nỗi đau, sống có trách nhiệm hơn. Đi qua đại nạn, hẳn mọi người chúng ta có đủ bản lĩnh để nắm tay nhau vượt lên nỗi đau, biết trân quý và yêu thương sự sống quanh ta...