Trong đó, theo Văn bản số 78 về triển khai báo cáo thống kê năm học 2018 - 2019 gửi các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT cho biết chế độ báo cáo này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý ngành. Các trường phải nhập vào công cụ lập báo cáo thống kê tích hợp trên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Trong đó riêng người học có tới 33 cột thông tin và bao gồm cả họ tên, nghề nghiệp, năm sinh cha và mẹ... Những yêu cầu này của Bộ khiến các trường “đau đầu” vì thông tin quá chi tiết, trong đó có những thông tin không có trong hồ sơ người học, đặc biệt của sinh viên khóa cũ, học viên sau ĐH hoặc các chương trình liên thông, vừa làm vừa học.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai chính phủ điện tử (Nghị quyết số 36a của Chính phủ), Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và tin cậy phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch và thực thi chính sách quản lý hiệu quả. Đến nay Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu của gần 52.000 trường mầm non, phổ thông (trong đó có 1,5 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý; hơn 20 triệu hồ sơ học sinh) và bước đầu khai thác rất hiệu quả dữ liệu này vào công tác quản lý ngành.
Cũng theo ông Hải, hiện Bộ đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục ĐH, trước mắt tập trung thu thập thông tin về tuyển sinh, người học, người dạy, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất... Các dữ liệu này sẽ khai thác dùng chung toàn ngành gồm Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo và các cơ quan hữu quan theo thẩm quyền.
Ông Hải khẳng định việc quản lý và sử dụng thông tin thu thập được Bộ đang thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ, trong đó đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo bảo mật và sử dụng thông tin cá nhân đúng mục đích.
Riêng về thông tin người học, ông Hải cho biết Bộ đã ban hành quy định về hồ sơ học sinh, sinh viên và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ học sinh, sinh viên (Quyết định số 58/2017), trong đó có thông tin về lý lịch sinh viên và quá trình học tập, rèn luyện. “Một số thông tin liên quan đến lý lịch sinh viên (như thông tin về cha mẹ), hệ thống cơ sở dữ liệu đang yêu cầu ở chế độ không bắt buộc, tùy thuộc vào quyết định của cơ sở đào tạo có nhập vào hay không”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, thực tế theo yêu cầu văn bản của Bộ gửi các trường hướng dẫn nhập liệu thì “họ tên mẹ”, “năm sinh mẹ” là thông tin bắt buộc phải nhập (ảnh). “Nếu không nhập thông tin này, hệ thống báo lỗi và không cập nhật được, coi như việc nhập liệu thông tin người học đó chưa hoàn thành”, đại diện một trường ĐH cho biết. Đó chính là lý do mà nhiều trường hiện chưa hoàn thành được nhập liệu và báo cáo dù đã hết thời gian quy định.