Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không buộc nghi can phải nhận tội khi điều tra

“Quy định quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” là nội làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận về Dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sáng 17/6.



Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cần quy định rõ quyền của người bị buộc tội "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận là mình có tội” để chống bức cung, nhục hình. Việc khai hoặc không khai và khai báo thế nào được coi là quyền mà không phải là nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, do đó họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này. Thực tiễn cho thấy, lời khai nhận tội của những người này mà tự nguyện, không bị ép buộc do bức cung, nhục hình là cơ hội để họ ăn năn, hối cải để được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước và tạo điều kiện để họ thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ chính mình.  

Người đầu tiên bấm nút phát biểu, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng: Việc dùng mọi biện pháp, kể cả vũ lực để buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp, rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa chính là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan gây chấn động trong thời gian qua. “Việc trình bày lời khai là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, họ có trình bày hay không là quyền của họ, luật không quy định nghĩa vụ buộc phải thực hiện quyền trình bày lời khai”, bà Nga nêu quan điểm.

Chứng mình quan điểm của mình, bà Nga dẫn chứng vẫn tồn tại trong thực tiễn, do kỹ thuật lập pháp không quy định trực tiếp quyền không trình bày lời khai mà chỉ có thể hiểu gián tiếp, nên thực tế những quy định trên không được chấp hành nghiêm. Cùng với những hạn chế của tố tụng thẩm vấn nên đã trở thành thói quen trong cả nhận thức và hành động của không ít người tiến hành tố tụng. Việc phụ thuộc vào lời khai nhận tội của nghi can và suy đoán có tội đã trở thành khá phổ biến. Điều tra, truy tố, xét xử sẽ được kết thúc một cách nhanh chóng nếu có được lời nhận tội. Vì vậy, thực tế nhiều trường hợp đã biến từ quyền trình lời khai thành nghĩa vụ phải khai báo và đã từng xảy ra mớm cung, bức cung, nhục hình. Biến việc không thực hiện quyền trình bày lời khai thành thiếu thành khẩn, không hợp tác với cơ quan tố tụng, nghi can tự bào chữa bị coi là quanh co chối tội, hòng trốn tránh trách nhiệm. Tất cả những tình tiết này đều bị tòa án dùng làm căn cứ để quyết định mức án nặng hơn.

 

ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu tại hội trường

 Về những quy định mới tại Điều 42, Điều 43 của Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) về quyền bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng đây là quy định là phù hợp với Hiến pháp. Đại biểu dẫn chứng, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa", vì vậy khi không có người bào chữa hoặc tự mình bào chữa thì bị can phải được quyền đọc, ghi chép và sao, chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra, để bảo đảm quyền tự bào chữa của họ. Hơn nữa, để bào chữa cho mình, ngoài những thông tin liên quan trực tiếp đến mình, bị can có thể phải tìm hiểu những thông tin do những người tham gia tố tụng khác cung cấp. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, ĐB Mai đề nghị “ Ban soạn thảo cần quy định rõ về cơ chế và những thủ tục chặt chẽ để bị can, bị cáo thực hiện quyền này hiệu quả và đảm bảo an toàn hồ sơ vụ án, không tạo ra khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng”.

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam ĐỊnh) phát biểu tại phiên thảo luận

 

Tuy nhiên theo ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định), việc tiếp cận tài liệu phải quy định có 3 điều kiện là bị can, bị cáo không có người bào chữa, thứ 2 là chỉ thực hiện sau khi đã kết thúc điều tra, thứ 3 chỉ được ghi chép và đọc những tài liệu cần thiết liên quan đến việc buộc tội chính bị can, bị cáo chứ không phải là sao chép toàn bộ hồ sơ vụ án, hoặc sao chép những tài liệu không liên quan đến mình. Để tránh bị lạm dụng việc tiếp cận tài liệu, ĐB Vũ Xuân Trường  góp ý bổ sung thêm nội dung: “Toàn của tài liệu, hồ sơ thì tài liệu đó phải được phô, tô, số hóa, quản lý theo trình tự nhất định để tránh quá trình đọc nghiên cứu bị tiêu hủy, tránh tình trạng lợi dụng chế định này để kéo dài thời gian đọc nghiên cứu của bị can bị cáo tới vài ba tháng không hết những tài liệu họ cho là liên quan đến họ, thậm chí có cả bị can bị cáo không biết chữ nữa nên cần có những quy định ngặt nghèo về vấn đề này.”

              Về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, đa số ý kiến ủng hộ quy định này vì cho rằng, nó sẽ bảo đảm minh bạch, khách quan trong quá trình hỏi cung. Đây cũng sẽ là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo cho là bức cung, nhục hình, đồng thời bảo vệ nghi can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật, bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là suy cho bị can chối tội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn về nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, tốn kém mấy cũng phải làm “Nếu như chúng ta khắc phục được tình trạng bức cung, nhục hình, chúng ta bảo vệ được quyền con người thì có tốn kinh phí chúng ta cũng phải xem xét”-ĐB Học nhấn mạnh.

Để điều này đi vào thực tiễn nếu Quộc hội thông qua, ĐB Học đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật có khảo sát và giải trình trước Quốc hội là nguồn kinh phí trang bị cho ghi âm, ghi hình này là bao nhiêu, chúng ta có đáp ứng được hay không?

“Khi thảo luận tổ, có lãnh đạo ở địa phương nói rằng nếu bảo vệ được quyền con người, quyền công dân và tránh bức cung nhục hình thì địa phương cũng sẵn sàng bỏ kinh phí để trang bị thiết bị này. Tôi nghĩ rằng nhiều địa phương khác cũng ủng hộ tinh thần này”- ĐB Nguyễn Thái Học hô hào.