Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Không cầm được nước mắt cảnh con gái bị "chồng hờ" của mẹ bạo hành

"Mẹ con Hà" - bộ phim tài liệu trong dự án "10 tháng 10 phim ngắn" về đề tài bạo lực gia đình - khiến đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ngay từ lúc xem bản nháp đã bị ám ảnh, còn khán giả xem phim cũng bị sốc, nhiều người không cầm được nước mắt.


 

Phim "Mẹ con Hà" (*) kể câu chuyện hai mẹ con bé Hà, với những lần chuyển nhà liên miên (cỡ trên 40 lần trong vòng vài năm). Hà có ước mơ làm ca sĩ nhưng đã nghỉ học từ lớp 5. Cuộc sống của em là ở nhà, triền miên bị người "chồng hờ" của mẹ đánh đập, chửi bới suốt ngày. 

Ba phim Sao Bình không lấy chồng? (tác giả Phạm Minh Hà), Mẹ con Hà(tác giả Phạm Thu Lê), Nhà đối diện (tác giả Lê Mỹ Cường đều là phim tài liệu được làm theo phong cách trực tiếp. Những nhà làm phim không viết kịch bản, họ vác máy quay bám sát đời sống của nhân vật, cho đến khi họ cảm thấy có thể kết thúc được phim.
Thầy dạy và khán giả cùng sốc!
Sao Bình không lấy chồng? Là một bộ phim rất nữ tính, nhưng cũng là một cách nhìn trực diện, đầy mạnh mẽ về những định kiến xã hội đang áp đặt lên phụ nữ Việt Nam. Còn Nhà đối diện là một câu chuyện tình hết sức dễ thương, giản dị, đầy chân thật của hai người đồng tính nam. Hai bộ phim rất nhanh chóng kết nối với khán giả, cho thấy những bộ phim tài liệu đề tài xã hội khi đặt trúng vấn đề có sức hấp dẫn không thua kém phim truyện.

Cảnh phim "Sao Bình không lấy chồng?"

Nhà làm phim trẻ Phạm Thu Lê xuất hiện tại buổi chiếu khá rụt rè, nhưng bộ phim của cô thì không rụt rè một chút nào. Mẹ con Hà làm về đề tài bạo lực gia đình, khiến thầy của cô là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ngay từ lúc xem bản nháp đã bị sốc và ám ảnh, khán giả xem phim cũng bị sốc, nhiều người không cầm được nước mắt. 
Phim kể câu chuyện của mẹ con bé Hà, với những lần chuyển nhà liên miên (cỡ trên 40 lần trong vòng vài năm). Hà có ước mơ làm ca sĩ nhưng đã nghỉ học từ lớp 5. Cuộc sống của em là ở nhà, triền miên bị người "chồng hờ" của mẹ đánh đập, chửi bới suốt ngày. 
Phạm Thu Lê đã quay được toàn bộ đời sống chân thực của gia đình Hà, cảnh người đàn ông bạo hành Hà cả về thể xác và tinh thần, ghi lại cả những câu chửi thô tục của người đàn ông này. Khán giả đều thắc mắc không hiểu sao Lê quay được những cảnh này. Lê cho biết ban đầu cô cũng nghĩ không thể làm được, nhưng không ngờ khi cô mang máy quay đến các nhân vật của cô đều thấy bình thường. Sau khi xem phim này rất nhiều người tự hỏi phim này liệu có được Cục Điện ảnh duyệt cấp phép hay không. Vì Luật Điện ảnh kiểm soát rất chặt chẽ thoại trong phim, kể cả với phim tài liệu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên tất cả những phim này đã được duyệt.

Phim "Nhà đối diện"

Sau buổi chiếu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dường như hiểu được băn khoăn của khán giả về số phận của cô bé Hà cho biết: “Có một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giúp cho cô bé đó, phải làm gì đó cho cô ấy? Tôi vẫn khuyên Hà nên tiếp tục làm phim về những con người này vì câu chuyện chưa dừng lại”.
Tài liệu trực tiếp - tiếng nói của người trẻ

Điện ảnh trực tiếp hay còn được gọi là điện ảnh hiện thực là phương pháp làm tài liệu quen thuộc của các đạo diễn phim tài liệu thế giới. Nhưng ở Việt Nam, chỉ với sự xuất hiện của các giảng viên xưởng phim Varan (Pháp) vào thời điểm 10 năm về trước, điện ảnh trực tiếp mới thực sự du nhập và bắt đầu có những tiếng nói riêng.
Đi theo phong cách làm phim này, những nhà làm phim trẻ ở TPD đã sản xuất ra nhiều bộ phim tài liệu mà sau khi xem xong, những nhà làm phim chuyên nghiệp đã thành danh đều ngạc nhiên, “không ngờ bọn trẻ làm phim tốt như thế”. 

Các nhà làm phim trẻ của dự án "10 tháng 10 phim ngắn"
Những nhà làm phim trẻ ở TPD đã không còn tự giới hạn mình ở những đề tài gia đình. Họ dám thử sức với những đề tài xã hội rất khó. Họ làm về những người bị HIV/AIDS, những người thiểu năng, người lang thang, cơ nhỡ... Còn nhiều phim của TPD cũng ám ảnh không kém phim Mẹ con Hà.
Những bộ phim tài liệu trực tiếp đang tạo nên một làn sóng mới, cách thưởng thức mới. Và là một thách thức hiển hiện với cách làm phim tài liệu truyền thống đang ngày dần cũ mòn, và mất đi tính chân thực.

Phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" từng tạo cơn sốt
Mới đây nhất bộ phim tài liệu làm theo  phong cách tài liệu trực tiếp,Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của nhà làm phim trẻ Nguyễn Thị Thắm đã được phát hành thương mại, gây "sốt" vé. Một dấu mốc mới đối với phim tài liệu Việt Nam, cho thấy phim tài liệu không còn chấp nhận “chiếu dưới” như trước.
Vào hôm nay (30/5), TPD tổ chức hai suất chiếu vào 15h và 18h30 tại địa chỉ 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội để trình chiếu đủ 10 bộ phim tài liệu của dự án.

 

 

 

 

Tít bài do baodansinh.vn đặt lại