Thiệt hại là rất lớn
Thời gian gần đây, người Việt Nam (nhất là những người sống ở Hà Nội, TP.HCM) bắt đầu quan tâm đến chất lượng không khí. Dù ít nói ra nhưng ai cũng cảm thấy buồn lo vì không khí bị ô nhiễm, có hại cho sức khỏe. Điều cơ bản là người ta chưa biết đối phó với hiện tượng này sao cho hiệu quả.
Các nhà khoa học, đặc biệt là khoa học kinh tế, quan tâm theo cách của mình là nghiên cứu và chỉ ra tác hại cụ thể. Sáng 14/1/2020, tại tọa đàm về tổn thất kinh tế do ô nhiễm không khí do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ở Hà Nội, các nhà khoa học chỉ ra rằng, với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, mỗi năm ô nhiễm không khí sẽ làm thiệt hại 10,82-13,63 tỷ USD, tương đương 4,45-5,64% GDP. Đây là thiệt hại rất lớn, ở mức khủng khiếp!
Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí được chia thành hai nhóm cơ bản. Nhóm 1 là thiệt hại hữu hình có thể nhìn thấy; đó là chi phí khám sức khỏe, tiền mua máy lọc không khí. Nhóm 2 là thiệt hại gián tiếp như số người chết, ảnh hưởng của bệnh tật đến năng suất lao động, hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế kém hấp dẫn... Nhưng theo tôi, đây vẫn chưa phải là thiệt hại lớn nhất.
Thiệt hại lớn nhất do không khí ô nhiễm là ảnh hưởng lâu dài của nó tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới tầm vóc, sức mạnh, sức bền của người Việt Nam. Dù phần lớn dân số không bị tử vong hay đau yếu tức thì nhưng sống mãi trong điều kiện không khí có hại cho sức khỏe, chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng. Theo tôi, đây mới là mối lo lớn nhất vì nó ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai.
Người dân Hà Nội gần đây luôn sống trong lo lắng vì ô nhiễm không khí. Ảnh KT
Phải làm gì để giảm ô nhiễm không khí?
GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, ô nhiễm không khí chủ yếu do hoạt động kinh tế của con người gây ra nên. Đầu tiên đến từ việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng và không có nhiều thay đổi theo thời gian. Tiêu thụ than ở Việt Nam trước đây chiếm 36% thì bây giờ ngày càng tăng.
Thêm nữa, Việt Nam đứng ở bậc thấp trong phân công lao động quốc tế. Hiện nay, các nước đã phát triển chiếm vị trí cao trong chuỗi giá trị, họ có nền sản xuất sạch. Những hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo gây ô nhiễm được đẩy về Việt Nam. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí.
Về nguyên tắc, khi biết được nguyên nhân thì sẽ tìm ra biện pháp. Như vậy, muốn giảm ô nhiễm không khí, chúng ta phải thay đổi chính sách phát triển kinh tế, tập trung phát triển những ngành sản xuất sạch. Điều này là thử thách rất lớn nhưng phải nghiên cứu để thực hiện.
Đàm Trọng/GĐTE