Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Tháng 3 -5 là thời điểm bệnh phát triển mạnh, có thể bùng phát thành dịch lớn. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để phòng, chữa bệnh kịp thời. 
 
 

Bác sĩ bệnh viện Nhi TƯ thăm khám cho một trường hợp bệnh nhi mắc TCM.
 
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 16/4 – 22/4/2018, thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc TCM; lũy tích từ đầu năm tới nay là 234 trường hợp mắc. ThS.Bs Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do khả năng miễn dịch và sức đề kháng kém hơn người lớn. Thông thường, những dấu hiệu ban đầu của bệnh gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) kèm tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).   
 
Điển hình như trường hợp bé Hoàng Thu N (16 tháng, trú tại Hưng Yên). Ban đầu, bé có triệu chứng sốt cao 39 - 400C liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, miệng xuất hiện vài nốt nhỏ li ti. Gia đình đưa bé đi khám tại tuyến cơ sở lại được chẩn đoán viêm họng cấp. Sau một thời gian điều trị, thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm, gia đình vội đưa con lên bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé N mắc TCM. Hay trường hợp cháu Đỗ Thùy M (22 tháng tuổi, Hà Nội), cũng nhập viện điều trị trong tình trạng sốt cao, quấy khóc liên tục. Sau khi vào viện một ngày, bé bắt đầu nổi các các nốt mụn nhỏ ở cổ họng, khe bẹn.
 
Đáng nói, một người có thể nhiễm bệnh TCM nhiều lần. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, bệnh TCM chủ yếu do nhiễm virus Coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Nhưng bệnh cũng có thể bắt nguồn từ các virus nhóm Enterovirus, trong đó virus Enterovirus 71 (EV71) có nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong. Mỗi lần nhiễm TCM, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Bởi vậy, nếu tái nhiễm, bệnh có thể nặng và nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc bệnh nhân hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào. Do đó, các bác sĩ vẫn khuyến cáo về nguy cơ lây bệnh từ những người lành mang trùng. 
 
Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM. Khi bị bệnh, người bệnh nên uống nhiều nước, kết hợp dùng thuốc điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau do các vết loét. Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
 
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện và kịp thời đưa ngay đến các cơ sở y tế để điều trị. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
 
Đồng thời, khi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau: Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí cả đêm không ngủ (trẻ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp; Trẻ sốt cao không hạ, nhiệt độ trên 38,50C, kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol; Trẻ hay giật mình (đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh); Xuất hiện các vết loét miệng, phỏng nước vùng bàn tay, bàn chân, gối, mông… cha mẹ cần lập tức đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời. 

Theo Yên Hưng /baophunuthudo.vn