Xưa là thế, còn nay, ngồi ngẫm thấy thương cho Thị Mầu, bị làng bắt vạ vì chửa hoang. Suy cho cùng, Thị Mầu mới là người đàn bà dũng cảm, thời thế hà khắc như vậy mà dám chửa hoang để mong đạt mục đích thì ghê quá đi chứ. Cái thời ấy chưa có giám định ADN nên Mầu mới to còi như vậy.
Ảnh minh họa.
Chỉ cách chúng ta chưa tới trăm năm nay thôi, nếu gái làng chửa hoang thậm chí còn bị gọt đầu bôi vôi, thả trôi sông nữa, chứ phạt vạ mấy chục mâm cỗ chưa là cái đinh gì.
Thời thế thay đổi nhanh như chong chóng. Mới đó mà khác quá nhiều. Bây giờ nhiều bà mẹ còn tuyên bố xanh rờn thế này: “Nó cứ có thai đi thì mẹ cho cưới”. Cái sự tiến bộ văn minh vượt bậc này mới thấy người dân xứ ta tiếp thu cái văn minh đơn giản thật.
Còn chuyện không chồng mà đẻ thì thường rồi, thậm chí có cô còn phao tin mình có bầu nhằm gây sốc cho thiên hạ, mặc dù chưa lấy ai làm chồng. Không thiếu những ngôi sao (tự phong hoặc bạn bè hay báo chí phong) cũng tuyên bố dù không chồng nhưng sẽ đẻ ra gà rồi vịt nữa, khiến mấy cụ cao niên rợn tai thế nào.
Thời này ngồi ngẫm mới thấy các cụ ngày xưa nói câu nào cũng chất, gái không chồng mà chửa đúng là ngoan thật, tự tìm hạnh phúc cho mình thì chả tài là gì. Chung quy cũng tại lấy chồng bây giờ quá khó, nhất là đối với chị em trong tóp “sao”. Mới đây trên mạng xã hội có đưa chuyện về cái sự khó lấy chồng của những cô gái thành đạt, điều đó đúng quá. Bên xứ bạn ta thôi, gái thiếu ghê gớm, nhiều gia đình phải tích tiền mua vợ về cho bố con dùng chung. Thế mới có thơ rằng: Ngày xưa một cối một chầy/ Bây giờ một cối nhiều chày giã chung...
Tuy nhiên theo tìm hiểu của cụ Trạch Văn Đoành, ở xứ ấy lại có rất nhiều gái trong diện “chống ề” vì không tìm được người đàn ông môn đăng hộ đối. Thời buổi tên lửa đi sau máy bay, con gái học cao lên tận trời xanh, có bằng tiến sĩ thì lấy sao được chồng, trong khi trai làng chủ yếu làm nghề chạy xe ôm...
Để giải quyết tình cảm thì chị em làm theo lời các cụ dạy, không chồng mà chửa mới ngoan. Phong kiến như cụ Trạch Văn Đoành mà còn nói: Miễn là làm sao có đứa con là được. Có lẽ chị em thời nay cũng chả chờ cụ phải nhắc, cứ tới độ băm mấy nhát mà không có chồng là đi kiếm thôi. Hết thời gian chờ đợi rồi.
Mà chị em cũng biết thông tin chính xác, mỗi năm cả nước có gần nửa triệu vụ ly hôn, lấy phải thằng chồng ba chi khơ chỉ mất công ra tòa ly dị, thà chả lấy nữa cho yên thân.
Bây giờ lại còn chuyện không chửa mà cũng đẻ được ra con nữa các cụ ạ. Chuyện lạ như thế là cùng.
Bà con trong xóm nghe chuyện này thì há hốc mồm ra như thể có người ngoài hành tinh mới về ăn cưới. Không chồng mà chửa thì rõ rồi, cuối cùng cũng sẽ đẻ ra con thôi, còn con của ai thì kệ bố nó. Tuy nhiên không chửa mà đẻ ra con thì đầu óc các cụ không thể hình dung ra được.
Cụ Trạch Văn Đoành quyết định mở cuộc điều tra xem tin này ở đâu mà ra, nếu không làm rõ trắng đen thì sẽ gây dư luận xấu trong thôn là cái chắc. Đích thân cụ Đoành chống gậy đi từng ngõ hỏi cho ra nhẽ. Ông Tý khai là do ông Sửu nói, ông Sửu là bảo tin này do ông Dần nói... Cứ lần theo âm thanh như vậy, cụ Trạch Văn Đoành đã mò tới hết các xóm, vào từng nhà phỏng vấn tất cả các thành viên gia đình.
Một tháng lần mò như vậy, cây gậy ba tong của cụ vẹt vát cả đầu chống. Có công mài sắt có ngày lên dùi, bà cụ Dê là người cuối cùng khai ra sự thật:
- Dạ dạ, một hôm em đi mò ốc ở xóm Miễu. Em vô tình nghe thấy 2 ông đầu tóc bù xù, mặt hốc hác đứng trong vườn chuối nói chuyện với nhau. Họ có nói là: Con mất dạy thật, không thai ngén mà nó cứ đẻ sòn sòn!
Theo sơ đồ của bà Dê vẽ, cụ Trạch Văn Đoành lần tới xóm nhỏ giữa cánh đồng. Cụ vào nhà tìm ông đầu bù tóc rối. Ông ta đây rồi, đúng như miêu tả của cụ Dê.
Sau khi chào hỏi làm quen, cụ mới hỏi tới chuyện có người đàn bà không chửa mà đẻ sòn sòn là chuyện thế nào? Hiện dư luận trong thôn đồn đại chuyện này đã lên đỉnh điểm như thể có yêu quái xuất hiện.
Người tóc bù xù đang cầm bút viết, tiện mồm đọc cho cụ Đoành nghe câu thơ mới sáng tác: Ngày xưa yêu trước ngủ sau/ Bây giờ ngủ trước yêu sau là thường...
Đến giờ thì cụ Đoành đã biết người ngồi trước mình là nhà thơ, một trong những nhà thơ xóm nổi tiếng trong vùng.
Nhà thơ đập bàn tay xuống bàn như thể đập tan trái đất, tiếp sau là khóc hu hu, khóc như bao giờ được khóc. Nhà thơ lôi chai rượu ra mời cụ Trạch Văn Đoành mấy chén. Tửu nhập ngôn xuất, nhà thơ lại đọc: Ngồi quên quên hết sự đời/ Đố ông biết được tên tôi là gì?
Nhà thơ tợp một ngụm rồi lại khóc:
- Đấy ông xem, ông ngẫm đi. Tôi nói chuyện ấy là nói tới nạn đạo thơ thời gian gần đây. Thơ là đứa con tinh thần của chúng tôi. Muốn có con thì phải thai nghén, phải chửa thì mới đẻ ra con được. Thế mà con mấy dạy chả cần thai nghén, chả thèm chửa mà cứ cho ra sòn sòn hết bài này đến bài khác... Ông thấy có nhục không hả?