Đây là nội dung được các đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý mô hình trường học tự chủ chất lượng cao ở Hà Nội” được Sở tổ chức ngày 20/3/2015, tại Trường phổ thông liên cấp Vinschool.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu trong hội thảo
Xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh về một môi trường học tập đa dạng cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội, năm 2013, Sở GD&ĐT Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND về tiêu chí cụ thể của mô hình trường chất lượng cao như: Tiêu chí cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên; chương trình giáo dục; phương pháp giảng dạy; dịch vụ giáo dục; ….
Tính đến thời điểm năm học 2014-2015, UBND thành phố đã ra quyết định công nhận 4 trường chất lượng cao, phê duyệt thí điểm 10 trường chất lượng cao. Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cũng như tiếp tục góp ý cho cơ sở lý luận về mô hình trường chất lượng cao, Sở GD&ĐT Hà Nội đã mời đại diện các trường thí điểm mô hình trường chất lượng cao tại Hà Nội đóng góp nhiều tham luận bổ ích trong hội thảo.
Hội thảo đã thu hút nhiều đại diện Ban Lãnh đạo các trường chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội tham dự
Chương trình hội thảo với hai chủ đề lớn: “Cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý mô hình trường học tự chủ CLC ở Hà Nội” và “Sáng kiến kinh nghiệm trong xây dựng mô hình trường học tự chủ CLC ở Hà Nội” thu hút 11 tham luận công phu, đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn của các trường đã và đang áp dụng tiêu chuẩn trường chất lượng cao như Mầm non Đô thị Sài Đồng, Mầm non 20/10, Trường phổ thông liên cấp Vinschool, THPT Phan Huy Chú, THPT Nguyễn Siêu, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia (BVIS) ... Các tham luận tập trung vào kinh nghiệm xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên cũng như tìm kiếm, xác định triết lý giáo dục riêng biệt để tạo nên thành công.
Chia sẻ về triết lý giáo dục của nhà trường, bà Phan Hà Thủy, thành viên Hội đồng giáo dục Trường phổ thông liên cấp Vinschool đã đóng góp vào Hội thảo bài tham luận về “Mô hình phát triển giáo dục toàn diện” tại Vinschool. Theo đó, chương trình phát triển toàn diện “5 trong 1” của Vinschool đã thể hiện triết lý trân trọng mọi tiềm năng của học sinh và luôn đặt học sinh làm trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục.
Chú trọng phát triển toàn diện và khai thác tiềm năng ở mỗi học sinh thay vì học tủ, học lệch cùng nền tảng dịch vụ ưu việt, mô hình trường chất lượng cao đã và đang dần đáp ứng được nhu cầu học tập học sinh Thủ đô cũng như các tiêu chuẩn giáo dục của thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ngoài 11 bài tham luận, các đại biểu tham gia sôi nổi trong phần thảo luận đã mang đến nhiều ý kiến có tính xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn của mô hình giáo dục chất lượng cao khi áp dụng vào thực tế.
Bà Phan Hà Thủy, thành viên Hội đồng giáo dục Vinschool chia sẻ về mô hình giáo dục phát triển toàn diện tại trường.
Nhận xét về mô hình trường chất lượng cao đang triển khai thí điểm tại 10 trường trên địa bàn Hà Nội, ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Hà Nội) nhận định: Linh hoạt và chủ động là tính chất của mô hình trường học chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh về một môi trường giáo dục chất lượng cao trên điều kiện đặc thù của từng địa phương, từng nhà trường.
Khẳng định mô hình trường học chất lượng là một mô hình đúng đắn mà Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai trong giai đoạn tiếp theo nhằm thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hội thảo lần này đã tham mưu nhiều giải pháp toàn diện để triển khai mô hình trường học tự chủ chất lượng cao tại Hà Nội trong tương lai.
Kết thúc hội thảo, Hệ thống giáo dục Vinschool đã đề xuất thành lập mạng lưới các trường CLC để thường xuyên trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm dưới sự đỡ đầu của Sở GD&ĐT Hà Nội. Đề xuất này được sự ủng hộ của các đại biểu tham dự và sự đồng tình của Sở GD&ĐT.